Sáng ngày 10/05/2022 tại Trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp với GS. TS Harro Stolpe và đại diện Công ty Ribeka về nghiên cứu cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trong khuôn khổ cụm đề tài VIWAT. Chủ trì cuộc họp là Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Nguyễn Ngọc Hà, cùng tham gia có đại diện lãnh đạo Ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Cảnh báo dự báo tài nguyên nước; Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước; đại diện của tổ chức EE – E (GS.TS. Harro Stolpe – Giảng viên Trường Đại học ĐH Ruhr – Bochum) và công ty Ribeka.
Hiện nay, sự thiếu hụt nguồn nước đang là vấn đề nghiêm trọng mang tính khu vực và quốc gia, thậm chí là mang tính toàn cầu. Theo Liên Hiệp Quốc có tới 40% dân số thế giới hiện nay và khoảng 80 nước đang đứng trước vấn đề thiếu nước nghiêm trọng, đến năm 2025 sẽ có khoảng 2/3 dân số thế giới sống trong điều kiện căng thẳng do thiếu nước, đặc biệt là các nước thuộc Trung Đông, Bắc và Trung Phi (WHYMAP, 2008).
Ở Việt Nam chưa có hệ thống cảnh báo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn nguồn nước. Các số liệu quan trắc sau khi được thu nhận về mới chỉ dừng lại ở bước quản lý trong cơ sở dữ liệu và được khai thác dưới dạng các báo cáo, thống kê. Do vậy việc phát triển và xây dựng hệ thống cảnh bảo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn nguồn nước nhằm công bố các thông tin phục vụ việc cảnh bảo cạn kiệt và xâm nhập mặn nguồn nước là rất cần thiết.
Từ 2018-2021, các nhà khoa học Việt Nam, Đức và quốc tế từ nhiều lĩnh khác nhau đã cùng tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách này. Trên cơ sở nhiều cuộc họp và thảo luận giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) – Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang (BMBF) – CHLB Đức, ý tưởng về một dự án Nghiên cứu Tiên phong ViWaT đã được đề xuất để tìm ra giải pháp khoa học khả thi cho việc ứng phó được triển khai sớm nhất.
Dự án ViWaT sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2018 – 2020) sẽ đề cập đến các hoạt động nghiên cứu và điều tra thực địa; Giai đoạn 2 (2021-2023) sẽ tập trung vào việc hiện thực hóa các giải pháp nghiên cứu.
Dự án ViWaT dựa trên các kết quả nghiên cứu của các dự án đã và đang vận hành như WISDOM, Catch Mekong và các dự án khác. Việc sử dụng cơ sở dữ liệu hiện có và liên kết với các dự án kể trên là điều rất cần thiết và quan trọng. Dự án bao gồm các hợp phần Quy hoạch, Kỹ thuật và Vận hành. Ba hợp phần này cùng phối hợp để đạt được một giải pháp toàn diện giải quyết các vấn đề ở ĐBSCL nhằm bảo vệ và cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương, từng hợp phần được gắn với quy mô và các chủ đề kèm theo.
Việc hợp tác với dự án Viwat nhằm giám sát nguồn nước, cảnh báo nguy cơ cạn kiệt và xâm nhập mặn được thực hiện trên cơ sở xem xét tương tác cả nước mặt, nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cung cấp luận cứ khoa học cho các hợp phần của dự án, trong quá trình triển khai, cũng như ứng dụng sản phẩm của dự án Vivat vào thực tiễn quản lý tài nguyên nước ở địa phương sau này.
Nghiên cứu cơ sở dữ liệu tài sở dữ liệu tài nguyên nước trong khuôn khổ cụm đề tài VIWAT có ý nghĩa và vô cùng quan trọng. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước có thể dễ dàng cập nhật, phân tích, tổng hợp các số liêu liên quan cho từng vùng, từng khu vực, lưu vực sông.
Hệ thống DIMS của Ribeka – Đức đã được xây dựng hoàn thiện và đáp ứng được việc quản lí dữ liệu quan trắc thu nhận từ các trạm đo dữ liệu quan trắc tự động từ KIT Đức. Tuy nhiên hệ thống này là sản phẩm thương mại và đã được đóng gói hoàn chỉnh, do vậy việc kế thừa và phát triển thêm là không thể tiếp tục thực hiện. Trên cơ sở các số liệu thu được từ các trạm quan trắc tự động của Kit – Đức, các số liệu này sẽ được lưu trữ tại máy chủ cơ sở dữ liệu của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia. Dựa trên đầu vào là các số liệu quan trắc này, các chuyên gia sẽ phân tích và đưa ra các bản tin về cảnh báo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn nguồn nước. Các thông tin cảnh báo này sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn nguồn nước. Từ các thông tin lưu trữ tại cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn, hệ thống phần mềm phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn sẽ đưa ra các bản tin cảnh báo sớm cạn kiệt và xâm nhập mặn nguồn nước một cách nhanh nhất qua Internet phục vụ đời sống dân sinh cũng như việc phát triển kinh tế xã hội.
Các đối tác nghiên cứu nước ngoài đều là các nhà khoa học giảng dạy tại các đại học lớn và các công ty công nghệ hàng đầu của CHLB Đức, có nhiều kinh nghiệm và đã có các sản phẩm ứng dụng cụ thể ở Việt Nam và Đức. GS.TS. Harro Stolpe là người có nhiều năm kinh nghiệm làm về lĩnh vực môi trường và sinh thái. Thiết kế, triển khai hệ thống tác nghiệp dự báo cảnh báo sớm xâm nhập mặn nước dưới đất là một chuyên môn sâu, đòi hỏi phải nghiên cứu tham khảo rất nhiều các tài liệu trên thế giới, điều mà các nghiên cứu viên Việt Nam còn có phần hạn chế. Bên cạnh đó, công ty RiBeKa cung cấp các giải pháp về quan trắc quản lý nước dưới đất theo 3 hạng mục chính, đó là: các giải pháp phần mềm hiện đại phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường/ tài nguyên nước hiệu quả; trang thiết bị quan trắc; các dịch vụ tư vấn. Bằng cách kết hợp phần mềm và các thiết bị quan trắc nước ngầm hiện đại, RiBeKa đã thực hiện nhiều dự án cài đặt một số hệ thống giám sát nước ngầm an toàn và hiệu quả nhất trên thế giới, như các Dự án tại Trung Quốc, Ấn Độ…
Tại cuộc họp, Đại diện phía đối tác Công ty Ribeka và tổ chức EE – E (GS.TS. Harro Stolpe – Giảng viên Trường Đại học ĐH Ruhr – Bochum) hướng dẫn cho cán bộ nhân viên Trung tâm Quy hoạch quốc gia về bộ phần mềm phục vụ khai thác hiệu quả hệ thống giám sát nguồn nước tự động phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước được nâng cấp từ phần mềm cơ sở dữ liệu hiện có.
Kết thúc cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà đánh giá cao bộ phần mềm mà phía đối tác đã xây dựng. Phó Tổng giám đốc cảm ơn đại diện phía đối tác Đức và mong muốn hai bên sẽ tiếp tục hợp tác thành công.