Sáng ngày 19/01/2022 tại Trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra họp Hội đồng đánh giá, kiểm tra, nghiệm thu nội bộ kết quả thực hiện đợt 4, Đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” cấp quốc gia năm 2021. Chủ trì cuộc họp là Phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Triệu Đức Huy, cùng tham dự có Phó tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà, đại diện các Ban của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và các chủ nhiệm đề tài khoa học.
Báo cáo tại hội đồng, đại diện nhóm tác giả, Chủ nhiệm đề tài – TS. Đặng Trần Trung cho biết, năm 2021 nhóm tác giả được giao tiếp tục thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ tích hợp đánh giá tài nguyên nước và đất phục vụ Quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long” (VIWAT1) với tổng 19 chuyên đề nghiên cứu. Đến nay tập thể tác giả đã hoàn thành cơ bản khối lượng công việc được giao theo đúng quyết định điều chỉnh. Riêng khối lượng kiểm tra thực địa do tình hình covid nên việc lắp đặt thiết bị của Đức chuyển sang năm 2022. Tóm tắt kết quả thực hiện được của đề tài.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được bộ công cụ (cơ sở dữ liệu, công nghệ quan trắc tự động chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức) nhằm khai thác hiệu quả hệ thống giám sát nguồn nước phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn; áp dụng bộ công cụ phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đề tài đã nghiên cứu xây dựng bộ phần mềm tác nghiệp nhằm khai thác hiệu quả hệ thống giám sát nguồn nước phục vụ cảnh báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn
Kết quả của đề tài là ứng dụng các mô hình để dự báo sớm cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước mặt theo thời hạn tại các vị trí dự báo ở đồng bằng sông Cửu Long; dự báo biên triều tại các cửa sông, ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long theo thời hạn dự báo tháng, mùa tại các vị trí dự báo; dự báo sớm cạn kiệt, xâm nhập nước dưới đất theo thời hạn tại các vị trí dự báo ở lưu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả nghiên cứu của đề tài được công bố qua 02 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành (1bài trong nước, 1bài nước ngoài), đào tạo thành công 1 tiến sĩ, hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh, 3 thạc sĩ.
Thay mặt Hội đồng, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Triệu Đức Huy đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài. Đề tài thực hiện đúng tiến độ, có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đã thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế đồng thời đưa ra một số góp ý để nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện đề tài được tốt hơn. Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất thông qua đề tài.