Họp trực tuyến ký biên bản hợp tác với BGR về Dự án hợp tác kỹ thuật mở mới giai đoạn 2022 – 2024

Chiều ngày 21/01/2022, tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra Họp trực tuyến ký biên bản hợp tác với BGR về Dự án hợp tác kỹ thuật mở mới giai đoạn 2022 – 2024. Chủ trì cuộc họp là Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh, cùng tham gia có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà, Ban Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Cảnh báo và Dự Báo tài nguyên nước, Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; đại diện phía BGR và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường Thứ trưởng cảm ơn phía BGR đã nỗ lực trợ giúp Việt Nam tăng cường năng lực kỹ thuật lĩnh vực tài nguyên nước trong suốt 13 năm qua. Đặc biệt đã đồng hành và giúp cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia và các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án được thực hiện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và đây cũng là khu vực được đánh giá là dễ bị tổn thương trước tác động của Biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm – Pha II” giai đoạn 2018 – 2021 đã góp phần vào việc thực hiện nghị quyết 120 về phát triển bền vững và quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó lấy nguồn nước là trọng tâm trong mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội của khu vực.

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng các đơn vị liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học địa chất và Tài nguyên liên bang Đức triển khai các hoạt động hợp tác giai đoạn 2022-2025. Các nội dung thực hiện như sau: Tăng cường năng lực thể chế hoàn thiện pháp luận và năng lực thực thi; các giải pháp giúp quản lý, thích ứng với tai biến địa chất, phát triển các giải pháp quản lý nước dưới đất thích ứng với biến đổi khí hậu giúp tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của vùng ven biển; Hợp tác để vận động chính sách tăng cường hợp tác và trao đổi với các đơn vị trong ngành, đặc biệt là với các địa phương để quản lý nước dưới đất bền vững và thông minh với khí hậu; Đổi mới về chuyển đổi số trong quản lý tài nguyên nước theo định hướng của chính phủ Việt Nam, cũng như của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng chúc sức khỏe tất cả các vị đại biểu và chúc hội thảo thành công tốt đẹp và sự hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả và chặt chẽ.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh cho biết, trong thời gian qua Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cùng với các chuyên gia điều phối, chuyên gia từ Viện BGR, các chuyên gia trong các cơ quan phối thuộc và các địa phương cùng thực hiện dự án đã thảo luận đánh giá kết quả đạt được của dự án để báo cáo hai bên chính phủ, đặc biệt là đưa ra ý tưởng mới cho dự án “Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất, gắn với điều kiện địa chất – địa chất thủy văn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh                                                         phát biểu tại cuộc họp.

Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm” – giai đoạn 2017-2021

Báo cáo kết quả tại cuộc họp, Chuyên gia Địa chất thủy văn – Đại diện phía BGR cho biết, chương trình đánh giá dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm” – giai đoạn 2017-2021 nằm trong thõa thuận giữa Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và phía BGR trong việc thống nhất đánh giá kết quả của dự án. Tiêu chí đánh giá gồm đánh giá về tính liên quan, tính gắn kết, tính hiệu quả, tính hiệu suất tác động vào những tính chất bền vững.

Trong quá trình đánh giá, những người được phỏng vấn đánh giá cao kết quả đạt được của dự án, dự án đã đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, các đối tác thấy rằng vẫn còn thiếu sự trao đổi thông tin về mục tiêu tổng thể, tiến độ và thiếu sự điều phối, hướng dẫn trong định hướng chung; các đối tác tham gia chưa có kế hoạch đầy đủ trong việc đảm bảo tính bền vững thực hiện kết nối các kết quả đạt được. Do ảnh hưởng của dịch covid việc bàn giao kết quả dự án cho địa phương, vì vậy việc này sẽ được chuyển sang thực hiện trong năm tới.

  Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất, gắn với điều kiện địa chất – địa chất thủy văn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu”

Cũng theo đại diện BGR cho biết, Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất, gắn với điều kiện địa chất – địa chất thủy văn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu” được thực hiện từ năm 2022 – 2024. Mục tiêu dự án là cải thiện điều kiện kiên quyết liên quan đến luật pháp, thể chế, kỹ thuật về sử dụng tài nguyên nước dưới đất, nguồn tài nguyên nhạy cảm với biến đổi khí hậu; giảm thiểu ảnh hưởng của tai biến địa chất và gia tăng khả năng chống chịu của các tỉnh thuộc dự án.

Trên cơ sở các kết quả đạt được của dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm” và các dự án liên quan, phía Việt Nam – Đức đã phác thảo và thống nhất các kết quả chính cần đạt được của dự án là tăng cường năng lực thể chế hoàn thiện pháp luận và năng lực thực thi; các giải pháp giúp quản lý thích ứng nước dưới đất và tai biến địa chất; chuyển đổi số phục vụ quản lý tài nguyên nước; nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động chính sách.

Phát biểu tại cuộc họp, các địa biểu tham gia cho biết phần trình bày của phía BGR tương đối đầy đủ, đúng với những gì mà họ đã tìm hiểu và đánh giá.

Kết luận tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh rất cảm ơn các đại biểu tham và mong nuốn Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước và phía BGR sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau xây dựng kế hoạch chi tiết cho dự án mới. Kết thúc cuộc họp thì hai bên sẽ thống nhất nội dung và đưa vào “Biên bản thống nhất hành động” và sau đó sẽ ký kết làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo.

Toàn cảnh cuộc họp.