Trả lời:
Trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất và dân sinh. Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ nguồn nước mặt bị nhiễm mặn mà nguồn nước dưới đất cũng đã có dấu hiệu bị xâm nhập mặn. Vậy đâu là yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất vùng ĐBSCL?
Để trả lời được câu hỏi trên, kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long” được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia hoàn thành thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020, do TS. Hoàng Văn Hoan chủ nhiệm đã xác định được các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long như sau:
– Yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá đã chỉ ra, có 4 tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến tài nguyên nước dưới đất gồm: 1) Làm giảm cao độ tuyệt đối mực nước dưới đất (hình thành các phễu hạ thấp mực nước); 2) Làm tăng diện tích vùng có trị số hạ thấp mực nước dưới đất; 3) Làm tăng diện tích vùng chứa nước dưới đất mặn tăng; và 4) Làm giảm tổng lượng tích trữ nước dưới đất.
– Yếu tố thấm xuyên: Nước dưới đất trong các tầng chứa nước trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xảy ra quá trình dịch chuyển vật chất do thấm xuyên gây ra. Các quá trình này do đặc điểm địa chất thủy văn của vùng với các tầng chứa nước nằm xen kẹp và theo thứ tự từ trên xuống. Mực nước, mực áp lực có đủ điều kiện để quá trình thấm xuyên xảy ra. Đặc điểm địa chất của vùng có các cửa sổ địa chất thủy văn, chiều dày của lớp cách nước giữa cách tầng chứa nước. Bằng kết quả chứng minh từ mẫu phân tích đồng vị đã chứng minh được nước dưới đất trong vùng có thấm xuyên diễn ra từ tầng này sang tầng khác. Tầng chứa nước trong vùng có điều kiện địa chất thủy văn bao gồm cả cửa sổ địa chất thủy văn do địa chất, do quá trình kiến tạo liên quan đến hoạt động của các đứt gãy trẻ trong vùng, qua sự phân bố và độ dày, sự có mặt của các lớp cách nước yếu là những con đường của nước dưới đất có thể thấm xuyên từ tầng chứa nước này qua tầng chứa nước khác cả 2 chiều từ tầng trên xuống tầng dưới và từ tầng dưới lên tầng trên. Kết quả xử lý tài liệu bơm hút nước thí nghiệm chùm tại khu vực bán đảo Cà Mau đã cho thấy yếu tố thấm xuyên xảy ra ở đay rất rõ nét, kết quả xử lý số liệu qua phần mềm Aquifer test với hệ số thấm xuyên trung bình đạt tới 221 m. Bên cạnh đó, Bằng kết quả nghiên cứu về tuổi của nước dưới đất, chuyên đề đã chứng minh được quá trình thấm xuyên có xảy ra trong các tầng chứa nước khi khai thác hình thành một nguồn trữ lượng khai thác đáng kể.
– Yếu tố vận động của dòng ngầm: Kết quả mô hình mô phỏng và dự báo quá trình biến đổi mặn nhạt của các tầng chứa nước dưới đất được thực hiện dựa trên cơ sở của mô hình dòng chảy nước dưới đất vùng ĐBSCL cho thấy xu hướng tăng TDS hay mặn hóa các tầng chứa nước chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, cho thấy yếu tố vận động của dòng ngầm gây ra bởi các hoạt động khai thác nước dưới đất đóng vai trò quan trọng và chủ đạo trong các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam là quốc gia có trên 3000 km bờ biển, tập trung hàng triệu người sinh sống và khai thác các nguồn lợi từ biển. Xâm nhập mặn diễn ra tại hầu hết các địa phương ven biển. Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng này. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, phần nào hạn chế được tình trạng xâm nhập mặn nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp thì trong thời gian tới, hiện tượng xâm nhập mặn vẫn là mối đe dọa lớn đến đời sống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lương thực của cả nước.