Câu hỏi: Xác định các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất trong các tầng chứa nước lỗ hổng quan trọng như thế nào?
Trả lời:
Nhiễm mặn, xâm nhập mặn là trường hợp riêng của ô nhiễm nước dưới đất, trong đó muối là chất gây ô nhiễm. Xâm nhập mặn nước dưới đất xảy ra ở các vùng đồng bằng ven biển, dải cồn cát ven biển và các hải đảo… do tác động của con người và các yếu tố biến đổi tự nhiên của môi trường.
Quá trình nhiễm mặn xảy ra bao gồm xâm nhập mặn theo phương nằm ngang trong bản thân tầng chứa nước, xâm nhập mặn theo phương thẳng đứng do sự khuếch tán của nước mặn, do nước mặn bị trầm nén từ các tầng sét nguồn gốc biển nằm trên hoặc dưới tầng chứa nước Pleistocen và còn do quá trình phân dị trọng lực của nước mặn. Tuy nhiên, các cơ chế này chưa được chứng minh bằng các kết quả nghiên cứu cụ thể.
Từ các công bố khoa học nghiên cứu về xâm nhập mặn nước dưới đất trên thế giới có thể rút ra nhận định như sau: nguyên nhân gây nên xâm nhập mặn nước dưới đất ở mỗi khu vực khác nhau có thể khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện địa chất, địa chất thủy văn, cũng như lịch sử tiến hóa địa chất của từng khu vực. Các công trình nghiên cứu đều sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định cơ chế xâm nhập mặn nước dưới đất, dịch chuyển vật chất trong các tầng chứa nước…
Ở Việt Nam, các nghiên cứu xâm nhập mặn thường được kết hợp trong các báo cáo đánh giá tài nguyên nước dưới đất, chủ yếu là điều tra, khảo sát xác định ranh giới mặn-nhạt với ranh giới là tổng hàm lượng chất rắn hòa tan (TDS) = 1g/l và tính toán thời gian, tốc độ dịch chuyển ranh giới trên cơ sở điều kiện địa chất thủy văn của vùng nghiên cứu với lưu lượng khai thác yêu cầu. Mặt khác, các nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo về khả năng xâm nhập mặn vào các công trình khai thác. Các công trình nghiên cứu hiện trạng mặn-nhạt, xâm nhập mặn nước dưới đất ở Việt Nam đã giải quyết được có đặc điểm như sau:
– Việc xác định ranh giới mặn-nhạt chủ yếu được xác định từ các kết quả xác định TDS của mẫu nước được lấy trong quá trình khảo sát và ở những nơi không có các lỗ khoan khảo sát thì được xác định theo kết quả khảo sát địa vật lý.
– Việc dự báo sự dịch chuyển của ranh giới mặn-nhạt thường được tiến hành theo các kịch bản tùy theo các tác giả đề xuất mà không chú ý toàn diện đến các biến đổi của các yếu tố do tác động của phát triển kinh tế xã hội như: ý đồ quy hoạch mạng lưới khai thác nước, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình ngầm, các công trình thủy lợi, chế độ tưới, quá trình đô thị hóa v.v. Chính vì vậy, các dự báo đó mang tính tham khảo nhiều và không hấp dẫn các nhà quản lý.
– Xâm nhập mặn các thể chứa nước, tầng chứa nước, các thấu kính nước nhạt là những quá trình hóa – lý – sinh trong khoảng thời gian khá dài và chịu tác động của nhiều yếu tố tự nhiên, nhân tạo nhưng lại không được chú ý và có các lý giải khoa học một cách sâu sắc, nên các nghiên cứu còn thiếu tính định lượng. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp đồng vị trong nghiên cứu mặn nhạt ở nước ta hiện nay đang còn mới mẻ do điều kiện áp dụng cũng như khả năng phân tích và áp dụng còn chưa được phổ biến, có rất ít công trình nghiên cứu áp dụng.
Để giải quyết được mục tiêu nêu trên, các nội dung chính cần nghiên cứu trong đề tài bao gồm:
– Tổng quan các kết quả nghiên cứu xâm nhập mặn và xác định các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất trên thế giới và Việt Nam;
– Nghiên cứu phân tích các đặc điểm tự nhiên, địa chất, địa chất thuỷ văn, hiện trạng nhiễm mặn các tầng chứa nước và các vấn đề liên quan đến xâm nhập mặn nước nước đất vùng đồng bằng sông Cửu Long;
– Nghiên cứu phân tích, đánh giá xác định các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long;
– Nghiên cứu, phân tích, lựa chọn các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất vùng bán đảo Cà Mau;
– Nghiên cứu lựa chọn và đề xuất các yếu tố quyết định đến quá trình xâm nhập mặn nước dưới đất và giải pháp khai thác hạn chế xâm nhập mặn nước dưới đất vùng đồng bằng Sông Cửu Long;
– Viết báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài.
Việc nghiên cứu phục vụ các ngành kinh tế quốc dân quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên nước dưới đất, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; là cơ sở để quy hoạch khu dân cư, vùng phát triển kinh tế; góp phần hạn chế thiệt hại về kinh tế khi tình có tình hình biến động về tài nguyên nước.