Quy trình dự báo tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước mặt nói riêng, trong đó có dự báo thuỷ văn đã được thảo luận từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX tại các cuộc họp lần thứ 3 và 4 của Uỷ ban Đặc biệt thuộc WMO (1966). Tại Liên Xô (cũ), ngay từ những năm cuối của thập kỷ 70, Cơ quan quản lý tài nguyên nước Liên Xô đã thay đổi cơ bản về quy trình.
Nhiều chuyên gia tài nguyên nước cho rằng việc xây dựng được quy trình đánh giá, dự báo tài nguyên nước cũng khó khăn phức tạp chẳng kém gì việc làm ra các bản tin dự báo. Sự khó khăn này thể hiện ở các điểm chính sau:
– Sự phức tạp của diễn biến tài nguyên nước, các yếu tố ảnh hưởng tới tài nguyên nước và thông báo, dự báo liên quan đến không gian, thời gian và cường độ của chúng;
– Tính chất của thông báo, cảnh báo, dự báo (bản tin tháng, bản tin quý, bản tin năm,…);
– Các phương pháp và chỉ tiêu đánh giá không phải là duy nhất;
– Các quy ước về giới hạn cường độ, không gian và thời gian chưa thống nhất;
– Quá trình phát triển kinh tế xã hội và khoa học công nghệ làm cho công tác quan trắc và dự báo nghiệp vụ tài nguyên nước thay đổi, yêu cầu của xã hội, của người dùng cũng thay đổi. Sự thay đổi đó lại kéo theo những thay đổi về thuật ngữ, về những quy ước theo không gian, thời gian, về tính chất bản tin…
Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, có 3 lý do quan trọng nhất cần phải đánh giá, xây dựng quy trình dự báo tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước mặt nói riêng là:
– Để dự báo chính xác cần xem xét đến các số liệu quan trắc và các bản tin dự báo của chúng ta đã chính xác chưa, đến mức nào và mức chính xác có ngày càng tốt hơn không?
– Để nâng cao chất lượng dự báo tài nguyên nước trước hết phải tìm ra dự báo sai cái gì, sai như thế nào thì mới có thể cải tiến công nghệ dự báo trong đó có cải tiến về quy trình dự báo.
– Để so sánh chất lượng dự báo của các hệ thống dự báo khác nhau.