Trả lời:
Huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh là một vùng thuộc vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, diện tích khoảng 616 km2, phía Bắc giáp huyện Đình Lập thuộc tỉnh Lạng Sơn và huyện Bình Liêu, phía Đông giáp huyện Đầm Hà, phía Tây giáp huyện Ba Chẽ và TP Cẩm Phả, phía Nam giáp huyện Vân Đồn. Địa hình huyện trải rộng trên cả 3 vùng của tỉnh Quảng Ninh, có nhiều đồi núi, thung lũng và sông suối. Với lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó nguồn nước nhạt nước dưới đất được xem như một nguồn tài nguyên đặc biệt, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Theo kết quả điều tra, đánh giá về tài nguyên nước dưới đất thuộc dự án ““Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ” đã xác định được khu vực huyện Tiên Yên gồm 07 tầng chứa nước(qh, qp, j1-2, t3, t22, t21, o3-s1) và 2 tạo thành cách nước, đặc điểm phân bố của các tầng chứa nước cụ thể như sau:
– Tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Holocen (qh)
Tầng chứa nước qh bao gồm các trầm tích aQ21, aQ21-2, aQ22, aQ23, phân bố theo các diện hẹp ở ven biển chủ yếu ở phía Đông Nam vùng nghiên cứu trên với diện tích khoảng 144,9km2. Bề dày tầng chứa nước thay đổi từ vài mét đến 12m, trung bình 10m. Thành phần thạch học của tầng chứa nước chủ yếu là sét, cát lẫn dăm sạn, cuội sỏi thạch anh. Chiều sâu các giếng dao động từ 3m đến 12m, trung bình 6,36m. Tầng chứa nước được xếp vào loại nghèo nước.
Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại và vận động trong các lỗ hổng của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 1m đến 6,2m, trung bình 2,1m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.
Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng thuộc loại nước nhạt, chủ yếu nước có kiểu Bicarbonat Clorua Canxi, Clorua Bicarbonat Canxi Magie. Độ tổng khoáng hóa thay đổi từ 0,048g/l (QN5154) đến 0,25g/l (QN4278), trung bình 0,123g/l.
– Tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích Pleistocen (qp)
Tầng chứa nước qp bao gồm các trầm tích sông – lũ tích (apQ1), phân bố thành các khoảnh nhỏ trên địa bàn 2 xã Phong Dụ, Yên Than và phần lớn các xã Tiên Lãng, Đông Hải, Đông Ngũ với diện tích khoảng 15,2 km2 còn lại bị phủ hoàn toàn bởi tầng chứa nước Holocen. Bề dày tầng chứa nước thay đổi từ vài mét đến 11m, trung bình 10m, đáy tầng sâu nhất khoảng 20m. Thành phần thạch học của tầng chứa nước chủ yếu là cuội, sạn, cát. Tầng chứa nước được xếp vào loại nghèo nước.
Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại và vận động trong các lỗ hổng của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 1,3m đến 5,8m, trung bình 3,2m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.
Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, chủ yếu nước có kiểu Clorua Bicarbonat Natri Canxi, Clorua Bicarbonat Natri Canxi.
– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Hà Cối (j1-2)
Tầng chứa nước bao gồm các trầm tích hệ tầng Hà Cối (J1-2hc), phân bố chủ yếu ở khu vực thị trấn Tiên Yên và các xã Yên Than, Hải Lạng, Tiên Lãng, Đông Ngũ, Đông Hải, Đồng Rui và một khoảnh nhỏ phía Tây Bắc xã Hà Lâu với tổng diện tích khoảng 121,1km2. Bề dày đới chứa nước của tầng phân bố phổ biến từ 30-70m.
Thành phần thạch học gồm cuội kết, sạn kết thạch anh, cát kết hạt thô, bột kết xen các lớp sét than và thấu kính than. Tầng chứa nước j1-2 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình.
Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 1,5m đến 16m, trung bình 3,0m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.
Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, chủ yếu nước có kiểu Bicarbonat Clorua Magie, Bicarbonat Clorua Magie Natri, Clorua Natri Canxi.
– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Mẫu Sơn (t3)
Tầng chứa nước t3 bao gồm các trầm tích hệ tầng Mẫu Sơn (T3cms), phân bố thành 3 khoảnh tại xã Hà Lâu với diện tích khoảng 12,9 km2. Kết quả khảo sát cho thấy trong tầng chứa nước này không có giếng đào, giếng khoan khai thác nước. Tầng chứa nước t3 được xếp vào loại có mức độ chứa nước trung bình.
Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động khoảng 9m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn.
Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước là Bicarbonat Clorua Canxi Magie.
– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Nà Khuất (t22)
Tầng chứa nước t22 bao gồm các trầm tích hệ tầng Nà Khuất (T2nk), phân bố tập trung ở phía Tây huyện Tiên Yên thành dải kéo dài theo phương Đông Bắc – Tây Nam trên địa bàn các xã Hà Lâu, Đại Thành, Phong Dụ, Điền Xá và Yên Than với diện tích khoảng 218,7km2. Đới chứa nước của tầng chứa nước phân bố phổ biến từ 25-90m, chiều dày đới chứa nước khoảng 65m. Thành phần thạch học gồm cát kết, bột kết, xen sét kết, đá phiến sét. Tầng chứa nước t22 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là nghèo nước.
Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 2,8m đến 3m, trung bình 2,9m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn. Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Clorua Canxi Magie, Bicarbonat canxi
Magie.
– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên – phun trào (t21)
Tầng chứa nước bao gồm các trầm tích hệ tầng Pò Hèn (T2aph) và hệ tầng Tiên Yên (T2aty), phân bố thành dải hẹp từ xã Yên Than đến xã Đông Ngũ và dạng dải ở các xã Hà Lâu, Điền Xá và Phong Dụ với tổng diện tích khoảng 17,8km2. Đới chứa nước của tầng chứa nước phân bố phổ biến từ 20-70m, chiều dày đới chứa nước khoảng 50m. Thành phần thạch học gồm cát bột kết tufogen, bột kết tufogen, đá phiến silic, đá phiến sét silic, đá tuf núi lửa, dăm tuf phun trào axit, ryolit, felsit, riodacit xen kẹp lớp mỏng cát kết tufogen, cuội sạn kết chứa tuf và bột kết tufogen. Tầng chứa nước t21 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là nghèo nước.
Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động trung bình trong khoảng 2m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn.
Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Canxi, Bicarbonat Canxi Magie.
– Tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Tấn Mài (o3-s1)
Tầng chứa nước bao gồm các trầm tích hệ tầng Tấn Mài phân hệ tầng dưới (O3-S1tm1), phân bố thành dải kéo dài từ xã Yên Than qua Đông Ngũ đến xã Đông Hải với tổng diện tích khoảng 4,4km2. Đới chứa nước của tầng chứa nước phân bố phổ biến từ 20-50m, chiều dày đới chứa nước khoảng 30m. Thành phần chủ yếu gồm các đá phiến thạch anh serixit, đá phiến sét, xen kẹp ít lớp bột kết, cát kết phân lớp mỏng. Tầng chứa nước o3-s1 được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là có mức độ chứa nước trung bình.
Về đặc điểm động thái: Nước trong tầng thuộc loại không áp, tồn tại trong các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 3,0m (QN5052, QN5053) đến 3,2m (QN5051), trung bình 3,1m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn. Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong tầng chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Clorua Magie, Bicarbonat Canxi Magie.
– Hệ tầng Tấn Mài phân hệ tầng trên (O3-S1tm2): phân bố thành dải kéo dài từ xã Yên Than đến Đông Hải và một khoảnh nhỏ ở xã Hải Lạng với tổng diện tích khoảng 11,9km2. Đất đá đặc trưng trong các tầng này chủ yếu là cát kết, bột kết, cát kết quarzit xen các lớp đá phiến thạch anh – sericit, đá phiến sericit. Cấu tạo phân lớp mỏng, trung bình, phân phiến yếu. Do diện tích phân bố nhỏ và hẹp, đất đá không chứa nước nên đây là đối tượng không có ý nghĩa khai thác.
– Phức hệ Bình Liêu (lT2abl, µγT2abl, γπT2abl): phân bố tập trung tại các xã Phong Dụ, Đại Thành, Đại Dực, Yên Than và 2 khoảnh nhỏ xã Điền Xá và Hải Lạng với tổng diện tích 112,1km2. Chiều dày đới chứa nước chủ yếu tập trung ở lớp vỏ phong hóa của đất đá với chiều dày dao động phổ biến trong khoảng 6m đến 12m. Thành phần thạch học chủ yếu là ryolit, ryodacit, granophyr, granodiorit porhyr.
Phức hệ Bình Liêu được xếp vào loại nghèo nước đến trung bình, phần lớn là nghèo nước. Tuy nhiên, nước chỉ tồn tại và vận động trong đới phong hóa bề mặt với chiều dày khoảng 6-12m.
Về đặc điểm động thái: Nước trong phức hệ Bình Liêu thuộc loại không áp, tồn tại và vận động trong đới phong hóa bề mặt và các đới nứt nẻ của đất đá. Chiều sâu thế nằm mực nước dao động từ 2,0m đến 6,5m, trung bình 5m. Động thái mực nước thay đổi theo mùa và phụ thuộc vào yếu tố khí tượng thủy văn, mùa mưa mực nước dâng cao, mùa khô hạ thấp.
Nước dưới đất tàng trữ và vận động trong phức hệ chủ yếu thuộc loại nước nhạt, loại hình hóa học của nước chủ yếu là Bicarbonat Clorua Magie, Canxi.
Kết luận, các tầng chứa nước tại vùng Tiên Yên có chiểu dày trung bình từ vài mét đến 65m, lớn nhất đạt 90m tại tầng t22, phần lớn là nghèo nước. Nguồn cấp chủ yếu là nước mưa, nước mặt. Miền thoát là ra sông, suối, hoặc ngấm xuống tầng chứa nước phía dưới và chảy ra biển. Hiện nay trên địa bàn huyện Tiên Yên không có công trình khai thác nước dưới đất tập trung, chỉ có Nhà máy nước Tiên Yên, khai thác nước mặt từ sông Tiên Yên với công suất 1.500m3/ngày, việc khai thác và sử dụng nước dưới đất của nhân dân trong vùng còn mang tính tự phát, thiếu sự quy hoạch, quản lý cụ thể và chưa có các giải pháp bảo vệ thích hợp, vì vậy việc xác định rõ điều kiện phân bố nước dưới đất sẽ góp phần định hướng khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong khu vực.