Tiêu chí đánh giá chất lượng dự báo tài nguyên nước dưới đất là gì?

Câu hỏi: Tiêu chí đánh giá chất lượng dự báo tài nguyên nước dưới đất là gì?

Trả lời: Trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đòi hỏi số liệu quan trắc và thông tin về dự báo diễn biến tài nguyên nước ngày càng cao, không chỉ phong phú về mặt nội dung mà cả về độ chính xác của bản tin dự báo. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo tài nguyên nước dưới đất là một việc rất cần thiết và ngày càng được các Cơ quan quản lý tài nguyên nước và các hộ dùng nước quan tâm chú ý hơn.

Tuy nhiên, vấn đề đánh giá chất lượng bản tin dự báo diễn biến tài nguyên nước dưới đất là một vấn đề hết sức phức tạp vì trên thực tế, không có một phương pháp hay quy phạm đánh giá nào bao quát được mọi mục đích của việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo. Nhiều chuyên gia tài nguyên nước cho rằng việc đánh giá chất lượng bản tin dự báo cũng khó khăn phức tạp chẳng kém gì việc làm ra các bản tin dự báo. Sự khó khăn này thể hiện ở các điểm chính sau:

– Sự phức tạp của diễn biến tài nguyên nước, các yếu tố tài nguyên nước và thông báo, dự báo liên quan đến không gian, thời gian và cường độ của chúng;

– Tính chất của thông báo, dự báo (bản tin tháng, bản tin quý, bản tin năm,…);

– Các phương pháp và chỉ tiêu đánh giá không phải là duy nhất;

– Các quy ước về giới hạn cường độ, không gian và thời gian chưa thống nhất;

– Quá trình phát triển kinh tế xã hội và khoa học công nghệ làm cho công tác quan trắc và dự báo nghiệp vụ tài nguyên nước thay đổi, yêu cầu của xã hội, của người dùng cũng thay đổi. Sự thay đổi đó lại kéo theo những thay đổi về thuật ngữ, về những quy ước theo không gian, thời gian, về tính chất bản tin…

Có rất nhiều phương pháp để đánh giá chất lượng bản tin dự báo tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước nói riêng. Các phương pháp khác nhau được dùng để đánh giá các yếu tố dự báo khác nhau. WMO chia các bản tin dự báo làm các loại:

a) Loại dự báo giá trị: dùng để dự báo các yếu tố tài nguyên nước như: mực nước, lưu lượng;

b) Loại dự báo các hiện tượng theo từng hạn dự báo khác nhau: như hạn ngắn (tới 3 ngày), hạn vừa (từ 4 đến 7 hoặc 10 ngày), hạn dài (từ 10 ngày đến 1 tháng hoặc dài hơn);

Có 2 phương pháp chính để đánh giá dự báo:

+ Đánh giá theo biên độ tính toán.

+ Đánh giá sai số dựa vào thống kê toán học.

Mức đảm bảo phương án là tỷ số giữa số lần dự báo đạt yêu cầu (tức là số lần có sai số nhỏ hơn sai số cho phép) và toàn bộ số lần dự báo theo phương án. Để tính mức bảo đảm phương án cần tiến hành không ít hơn 200 lần dự báo (dùng tài liệu quan trắc trong 3 – 5 năm gần nhất).

Mức đảm bảo thiên nhiên của yếu tố dự báo là tần suất bảo đảm giá trị biến đổi của yếu tố dự báo trong thời gian dự kiến không vượt quá Scf (Dự báo thiên nhiên là lấy giá trị yếu tố dự báo tại thời điểm phát báo làm trị số dự báo).

Mức đảm bảo hiệu dụng của phương án dự báo là hiệu số của mức đảm bảo phương án và mức đảm bảo thiên nhiên.

Bất kỳ một phương án dự báo nào được xem là hợp lý và có thể được dùng trong tác nghiệp đều phải có mức đảm bảo ≥ 80%.

Hiện nay việc đánh giá chất lượng dự báo tài nguyên nước dưới đất chủ yếu dựa vào các thông số thống kê đánh giá mực nước dự báo so với mực nước thực đo, và được ứng dụng đánh giá tại các mô hình nước dưới đất để đánh giá chất lượng phương án dự báo (Modflow, GMS…). Các thông số đánh giá bao gồm các thông số sau: Sai số dự báo (R), sai số dự báo trung bình (R-), sai số dự báo tuyệt đối, sai số ước lượng chuẩn (SEE), Sai số bình phương trung bình căn (RMS), Sai số trung bình căn đặc trưng (NRMS), hệ số tương quan (R). Ngoài ra để đánh giá sai số của từng giá trị dự báo theo thống kê người ta còn đánh giá theo khoảng tin cậy, đối với một số mô hình thì khoảng tin cậy 95% thường được sử dụng .

Việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng bản tin dự báo tài nguyên nước dưới đất theo tháng khu vực đồng bằng Bắc Bộ là nhân tố quan trọng nhất trong việc cảnh bảo, dự báo tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng của các đơn vị thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phục vụ cho quá trình phòng chống thiên tai do nước gây ra và phát triển kinh tế xã hội.