Câu hỏi: Tại sao phải xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt?
Trả lời:
Nội dung các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13; việc tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước được quy định tại Điều 13 Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13.
Đối với khái niệm “giám sát”, bộ phận Phát triển Xã hội – Ngân hàng Thế giới năm 2007 đã đưa ra một bản Hướng dẫn tăng cường năng lực, tổ chức, trong đó định nghĩa về giám sát: “Giám sát có thể định nghĩa là một chức năng được thực hiện một cách liên tục nhằm cung cấp cho cấp quản lý và các bên có liên quan các dấu hiệu về tác động thành công hoặc không thành công ban đầu của các hoạt động, dự án, chương trình đang triển khai. Quá trình giám sát giúp các tổ chức theo dõi những thành quả thông qua việc thường xuyên thu thập thông tin để kịp thời hỗ trợ việc ra quyết định, đảm bảo việc giải trình trách nhiệm và tạo nền tảng cho việc đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm”.
Tại Việt Nam chức năng giám sát được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, ví dụ hiện nay đã có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, trong đó có đưa ra giải thích về giám sát trong Luật: “Giám sát là việc Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội”
Với các định nghĩa về giám sát và các quy định về hoạt động điều tra cơ bản như trên, có thể nhận thấy, trong lĩnh vực tài nguyên nước mặt, việc giám sát có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt, sau này được sử dụng làm căn cứ cho nội dung lập quy hoạch tài nguyên nước tiến tới xây dựng chính sách đầu tư phát triển nguồn nước nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước.
Đặc biệt, trong điều kiện tài nguyên nước có hạn và phải đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm nguồn nước (cả về chất và lượng), đặt ra yêu cầu cần phải có sự điều tra đánh giá chính xác nguồn nước, dựa trên kết quả điều tra, đưa ra các giải pháp chiến lược vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo sự bền vững về mặt môi trường.
Nghiên cứu các yêu cầu giám sát nói chung và đặc biệt là nghiên cứu các chỉ tiêu giám sát tại Việt Nam là một lĩnh vực khá mới mẻ, như năm 2011, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư Số: 56/2011/TT-BTC về “Hướng dẫn phương pháp tính toán các chỉ tiêu giám sát và tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia” hay mới đây năm 2013 Thủ tướng chính phủ cũng ban hành quyết định Số: 2157/QĐ-TTg về việc ban hành bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá phát triển bền vững địa phương giai đoạn 2013 – 2020, có thể thấy đây là vấn đề đang rất được quan tâm
Nếu như Khoa học kỹ thuật về điều tra tài nguyên nước nhằm thể hiện cách chúng ta muốn thấy tài nguyên nước đang có bao nhiêu, vận hành ra sao thì việc giám sát các hoạt động điều tra tài nguyên nước lại cho thấy các kết quả thu được từ quá trình điều tra có đáng tin cậy hay không, qua đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Thực tế là hiện nay, các dự án quy hoạch tài nguyên nước đang được lập cũng gặp không ít khó khăn do số liệu điều tra chưa phù hợp, hoặc có số liệu điều tra nhưng mức độ chính xác chưa đủ đáp ứng. Do vậy, việc giám sát và cụ thể hơn là xác định chỉ tiêu giám sát cho các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt là hết sức cần thiết, phục vụ cho việc đánh giá kết quả của công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt