Tại sao phải thành lập mới quy trình kỹ thuật thiết kế, thi công các lỗ khoan thăm dò, khai thác NDĐ trong các tầng chứa nước lỗ hổng vùng Đồng bằng Nam Bộ?

Câu hỏi: Tại sao phải thành lập mới quy trình kỹ thuật thiết kế, thi công các lỗ khoan thăm dò, khai thác NDĐ trong các tầng chứa nước lỗ hổng vùng Đồng bằng Nam Bộ?
Trả lời:
Trên thế giới, tất cả các dạng công việc kỹ thuật đều có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm kỹ thuật nhằm hướng dẫn chi tiết cách thức tiến hành công việc và các tiêu chuẩn kỹ thuật cần đáp ứng. Các công trình tiêu biểu gồm:
– Bộ tài liệu “AWWA Standard for Water Well” của Hiệp hội nước Hoa Kỳ, ấn bản vào ngày 1 tháng 02 năm 1991, được phê chuẩn vào ngày 29 tháng Sáu năm 1990 bởi American Natioanal Standards Institute, Inc. Bộ tài liệu này bao gồm 13 chương không kể các phụ lục kèm theo.
– Bộ tài liệu “Minimum Construction Requirements for Water Bores in Australia” của Hội đồng Quản lý Nông nghiệp và Tài nguyên Australia và New Zealand, xuất bản năm 1997.
Nội dung chủ yếu của các bộ tài liệu này là các yêu cầu tối thiểu khi thiết và và thi công các giếng khoan thăm dò, quan trắc, khai thác nước ngầm, thiết kế các loại giếng thông dụng, các yếu cầu và cách thức trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng.
Các loại tài liệu như trên là những cơ sở quan trọng và cần thiết để tham chiếu trong quá trình kiểm tra, giám sát, thiết kế và thi công các giếng khoan thăm dò, quan trắc, khai thác thác nước dưới đất đối với tình hình cụ thể của từng quốc gia.
Ở nước ta, trong thời gian trước đây, vào khoảng những năm 1970 đã có bộ tài liệu “Quy trình kỹ thuật khoan thăm dò” do Tổng cục Địa chất ban hành. Tuy nhiên, đã hơn 40 năm qua, trình độ kỹ thuật đã có nhiều thay đổi, vì vậy, bộ tài liệu này hầu như đã  không còn giá trị sử dụng.
Trong vài năm trở lại đây, với sự sắp xếp lại tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các công việc liên quan đến tài nguyên nước, trong đó có việc điều tra, thăm dò, đánh giá, quy hoạch, khai thác tài nguyên nước (bao gồm cả nước ngầm) được giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước. Do là một cơ quan mới thành lập, vì vậy hiện nay Trung tâm chưa thể ban hành đầy đủ các quy chế, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật của tất cả các dạng công tác, trong đó có quy trình kỹ thuật khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất.
Để việc thực hiện các dạng công tác thực sự đi vào nề nếp, quy chuẩn, cần thiết phải có những tài liệu hướng dẫn, quy trình quy phạm kỹ thuật để áp dụng, tham khảo, đánh giá chất lượng công việc trong quá trình thực hiện, giám sát, nghiệm thu các dạng công tác. Vì những lý do trên, việc xây dựng bộ quy trình kỹ thuật thiết kế thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất trong các trầm tích bở rời vùng đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết.
Năm 2006, Lê Kim Đồng, Trần Văn Chung thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam đã thực hiện đề tài nguyên cứu khoa học cấp Bộ “Thiết kế chuyển đổi công nghệ khoan tuần hoàn thuận sang công nghệ khoan tuần hoàn ngược trong khai thác nước dưới đất trong điều kiện Việt Nam”, trong đó có một phần quan trọng là Xây dựng quy trình kỹ thuật thiết kế, thi công các giếng khoan khai thác nước bằng công nghệ khoan tuần hoàn ngược.
Năm 2009, Trần Văn Chung thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam đã thực hiện đề tài nguyên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khoan tuần hoàn ngược khi khoan trong đá cứng để khoan các lỗ khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất vùng Đông Nam Bộ”, trong đó có một phần quan trọng là Xây dựng quy trình kỹ thuật thiết kế, thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác nước trong đá cứng bằng công nghệ khoan tuần hoàn ngược
Một trong các công tác chủ yếu của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước là thi công các lỗ khoan thăm dò, quan trắc nước dưới đất, giếng khoan khai thác với những mục đích khác nhau. Một khối lượng lớn các công trình này được thi công trong các trầm tích bở rời vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, việc xây dựng quy trình kỹ thuật thiết kế thi công các giếng khoan thăm dò, khai thác nước trong các trầm tích bở rời vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết, có tính thực tiễn cao và hoàn toàn khả thi