Metadata sau khi đã được tạo lập do có cấu trúc thống nhất và tuân thủ các chuẩn nên hoàn toàn có thể truy xuất các thuộc tính như một chỉ mục thư viện. Việc truy vấn Metadata do chức năng phía người dùng đảm nhiệm. Kết quả trả về thông thường dưới dạng trực quan có diễn giải tương ứng được thành lập trên cơ sở cấu trúc chuẩn.
Rất nhiều các phần mềm thương mại hỗ trợ việc tạo lập và quản lý Metadata với các chức năng đã nêu ở trên và đa phần các phần mềm này đều nhắm đến việc xây dựng thư viện dữ liệu số. Bên cạnh đó, những nền tảng phần mềm mở sử dụng Internet như môi trường hỗ trợ quản lý khai thác Metadata cũng hết sức đầy đủ như Greenstone (Greenstone Digital Library Software n.d.), Geonetwork (Geonetwork Opensource n.d.).
Một số ví dụ dẫn ra đây để thấy việc ứng dụng Metadata đã được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường ở nhiều quốc đã thiết lập hệ thống thông tin trực tuyến phục vụ việc quản lý, quảng bá, chia sẻ và cả thương mại hóa kết quả của các đề tài, chương trình, dự án trên cơ sở Metadata – Danh bạ dữ liệu (USGS – Mỹ, GeoDAK – Đức…). Dù còn nhiều hạn chế xong ở Việt Nam, những cố gắng trong việc Việt hóa, sửa đổi các nền tảng này vào công tác thư viện số cũng đáng được ghi nhận như: ứng dụng Greenstone tại thư viện đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đại học Quốc gia Hà Nội, trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên… ứng dụng GeoNetwork trong: xây dựng Cổng thông tin địa lý Thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng hệ thống thông tin MRC trong chương trình chia sẻ thông tin, kiến thức – ủy ban sông Mê Công Việt Nam – Ủy hội sông Mê Công quốc tế…
Qua đây có thể thấy, về mặt kỹ thuật nếu xem dự án, đề tài, nhiệm vụ lĩnh vực tài nguyên nước là đối tượng dữ liệu thì hoàn toàn có thể áp dụng trực tiếp hoặc có sửa đổi cho phù hợp các chuẩn, giao thức Metadata đã có trong quản lý và khai thác thông tin cơ bản. Về mặt ứng dụng công nghệ, những công cụ nêu trên có đầy đủ tính năng và được ứng dụng hết sức rộng rãi trên thế giới, việc tham khảo hoặc cải tiến chức năng để phù hợp với yêu cầu thực tế là hoàn toàn khả thi.