Trong giai đoạn Lập Nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình, một số tài liệu đã được thu thập nhằm xác định các vấn đề về tài nguyên nước và các nội dung Quy hoạch. Tuy nhiên, trong giai đoạn Lập Quy hoạch cần thiết phải thu thập bổ sung tài liệu.
Việc thu thập bổ sung tài liệu trong giai đọan Lập Quy hoạch nhằm có được thông tin chi tiết về đặc điểm nguồn nước, hiện trạng sử dụng nước, nhu cầu sử dụng nước để đáp ứng kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và ổn định đời sống trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình.
Về các nguồn tài liệu trên địa phận Việt Nam đều có chất lượng tốt, đáng tin cậy. Các số liệu khí tượng thủy văn đã được chỉnh biên, kiểm tra độ chính xác hợp lý, đảm bảo được yêu cầu chất lượng, sử dụng được trong phân tích tính toán thuỷ văn phục vụ cho việc xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn điều hành cấp nước mùa cạn cho đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, gần ½ diện tích lưu vực sông Hồng – Thái Bình nằm ngoài biên giới Việt Nam bao gồm Trung Quốc và Lào. Phần diện tích lưu vực này nằm ở phía thượng nguồn, có ý nghĩa rất lớn trong việc phân phối dòng chảy về phía hạ lưu (Việt Nam). Trong đó, Trung Quốc với hệ thống đập lớn trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống sông của Việt Nam. Trên phía thượng nguồn sông Hồng, Trung Quốc đang được coi là “nắm giữ” một trữ lượng nước tích chứa không nhỏ. Với các số lượng thủy điện, đập và hồ chứa của mình, ước chừng Trung Quốc đang tích chứa khoảng 49% tổng số lượng nước sông Hồng. Ngoài 2 nhà máy thủy điện lớn có tên là Namsa và Mađusan thì họ còn có 20 đập chứa lớn nhỏ khác nhau. Ngay trong năm 2017, việc các đập của Trung Quốc xả lũ đã gây ra những thiệt hại lớn đối với các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn là vấn đề các thủy điện của Trung Quốc tích nước, chuyển nước gây thiếu hụt nghiêm trọng đến lượng nước chảy vào Việt Nam, khiến ta luôn ở trong thế bị động về nguồn nước sông Hồng – Thái Bình.
Hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ trao đổi thông tin quan trắc, thủy văn giữa các trạm thủy văn khu vực biên giới trên lưu vực sông Hồng và sông Kỳ Cùng. Còn cái cần hơn nữa là quy chế phối hợp về cung cấp thông tin xả lũ thì chưa có. Muốn đạt được quy chế phối hợp xả lũ trên sông Hồng thì phải làm việc ở cấp quốc gia. Đây cũng là một trong những khó khăn khi lập quy hoạch. Các chuyên gia đầu ngành về tài nguyên nước nhận định, muốn quy hoạch tốt lưu vực sông Hồng – Thái Bình thì phải đánh giá được tổng thể nguồn nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình, xác định được lượng nước có thể phân bổ tại các vị trí, mùa, nguồn khác nhau và cần xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. đây là thách thức rất lớn vì lưu vực sông Hồng – Thái Bình có gần một nửa nằm ở phía lãnh thổ Trung Quốc nhưng nước này – “người hàng xóm khó chịu” – lâu nay vẫn không hợp tác.
Theo các chuyên gia, chúng ta phải xác định rõ rằng, rất khó lấy được các số liệu, tài liệu về nguồn nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình phần thượng lưu ở lãnh thổ Trung Quốc do nhiều năm nay họ không chịu hợp tác. Ngoài con đường đề nghị chính thức, chúng ta từng thông qua các tổ chức quốc tế nhờ lấy nhưng không được. Thông qua hợp tác giữa các tỉnh giáp biên giới nhưng không mấy hiệu quả. Người hàng xóm khó chịu vẫn tùy ý tích rồi xả nước khiến vùng hạ lưu sông ở Việt Nam luôn bị động, gánh chịu hậu quả.