Vì nước mặt trên đảo không có dó địa hình đảo hẹp và dốc sau khi mưa nước hầu hết đều chảy ra biển và nước dưới đất tại đảo Hòn Chuối chỉ tồn tại trong tầng chứa nước khe nứt Trias. Nguồn hình thành nên trữ lượng của tầng chủ yếu do lượng mưa cung cấp được tích trữ trong các khe nứt, hang hốc của đất đá vì vậy cần phải có các phương hướng khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước này.
- Phương hướng khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Nguồn nước khai thác, sử dụng cho người dân trên đảo hiện nay được lấy từ 2 nguồn chủ yếu là nước mưa và nước dưới đất.
– Về mùa mưa: người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước mưa để ăn uống, sinh hoạt. Nước được đựng trong các lu, vại, bồn, bể chứa để dùng trong năm.
– Mùa khô: chủ yếu khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất tại 1 điểm lộ nước được khoét sâu thành giếng. Giếng nước hiện sử dụng bị lẫn rác và lá cây phân hủy nên thường nhiễm bẩn, chất lượng và vệ sinh kém. Tổng lượng nước khai thác, sử dụng trên đảo Hòn Chuối khoảng 0,6m3/ngày.
Về cuối mùa khô (tháng 3 – 4), đảo rất thiếu nước sinh hoạt. Nước ngọt được chở từ trong đất liền ra và vận chuyển lên đảo với giá khoảng 1.000 đồng/lít tương đương 1.000.000 đồng/m3.
Theo các kết quả tính toán, nguồn nước mưa cung cấp cho đảo khá lớn nhưng nguồn nước dưới đất trên đảo rất ít chỉ đáp ứng được một phần nhỏ cho các nhu cầu sử dụng nước. Do đảo có địa hình hẹp, dốc, đá bị phong hóa nứt nẻ không thể xây dựng các đập ngăn để giữ nước, vì vậy phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước được đề xuất như sau:
– Tập trung khai thác, sử dụng nước mưa, nước mặt (trong mùa mưa) và tích trữ nguồn nước này thông qua các bể chứa, các lu, vại để sử dụng trong mùa khô.
– Tại những vị trí thuận lợi có thể xây các ao hoặc hố chứa nước nhỏ để tích trữ nước mưa.
– Nếu điều kiện kinh tế cho phép, có thể lắp đặt hệ thống lọc nước biển quy mô nhỏ để lấy nước ngọt sử dụng.
– Bằng các biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.
- Phương hướng bảo vệ tài nguyên nước
2.1.Phương hướng bảo vệ nước mặt
Do địa hình trên đảo hẹp, dốc và đá rất cứng lộ ra ngay trên mặt nên việc đào ao, hố để giữ nước là không thể được. Vì vậy việc xây các bể chứa có dung tích đến vài chục mét khối là khả thi hơn cả. Để làm được điều này cần nguồn lực từ địa phương và vận động người dân cùng thực hiện.
Công việc trước mắt cần tuyên truyền cho người dân sử dụng mọi dụng cụ có thể để lưu trữ nguồn nước mưa, đồng thời sử dụng tiết kiệm nguồn nước này trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
2.2. Phương hướng bảo vệ nước dưới đất
Nước dưới đất trên đảo hầu như không có mà chỉ xuất lộ ở một vài điểm trên đảo với lưu lượng rất nhỏ. Vì vậy tại các điểm xuất lộ này cần đào hố và xây bờ kè để trữ nước. Đồng thời cần làm vệ sinh sạch sẽ xung quanh điểm lộ và làm mái che để tránh lá cây rơi vào làm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó việc giữ gìn các cánh rừng nguyên sinh, không chặt phá cây cối sẽ làm tăng khả năng tàng trữ nước, giảm lượng bốc hơi và tránh xói mòn các lớp phong hóa trên bề mặt đảo.