Câu hỏi: Nội dung điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt các xã biên giới việt – lào từ Hà Tĩnh đến Kon Tum là gì?
Trả lời:
Các xã biên giới Việt – Lào là vùng có địa hình chủ yếu là rừng núi, khe suối hoặc vùng trũng thấp nên việc bố trí dân cư và xây dựng cơ sở hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khí hậu thời tiết lại khắc nghiệt, thường xảy ra thiên tai nên công tác phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân chưa được đảm bảo. Về kinh tế, đây là vùng kinh tế phát triển chậm so với các vùng khác của cả nước, riêng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị được Nhà nước xếp vào loại đặc biệt khó khăn.
Trong vùng chỉ có một số kết quả đánh giá nước dưới đất, chủ yếu được thực hiện theo phạm vi điều tra của từng đề án, báo cáo; thời gian và phương pháp đánh giá trữ lượng các cấp không đồng bộ, thiếu nhất quán giữa các khu vực; chưa có kết quả đánh giá tiềm năng nước dưới đất trên phạm vi lưu vực, địa phương; một số kết quả đánh giá trữ lượng trước đây đã quá lâu cần phải được rà soát, tổng hợp và đánh giá lại mới có căn cứ để lập quy hoạch khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất.
Có thể thấy, hiện tại các dữ liệu thông tin về tài nguyên nước bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất của khu vực biên giới Việt – Lào chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ, các nội dung cơ bản của việc điều tra đánh giá chưa được giải quyết đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thông tin phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Nhằm đáp ứng mục tiêu Đánh giá được tiềm năng, hiện trạng phân bố số lượng, chất lượng nguồn nước mặt và khả năng đáp ứng của nguồn nước đối với tình hình phát triển kinh tế – xã hội có xét tới an ninh quốc phòng tại các xã vùng biên giới Việt Nam – Lào trong bối cảnh hiện tại.
Dự án sẽ tổ chức các nội dung chính sau:
1- Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt theo quy định tại thông tư số 26/2009/TT-BTNMT với tỷ lệ điều tra là 1:100.000;
Trên cở sở xem xét sự phù hợp giữa các tiêu chí, yêu cầu nội dung, sản phẩm của mỗi cấp tỷ lệ điều tra theo quy định với đặc điểm địa lý; thủy văn đặc biệt là đặc điểm địa hình vùng dự án liên quan đến tính khả thi trong quá trình thực hiện và mức độ đòi hỏi thông tin phục vụ nhiệm vụ trước mắt và trong vòng 10 năm tới; lựa chọn tỷ lệ điều tra tra, đánh giá tài nguyên nước mặt theo tỷ lệ 1:100.000.
Như vậy, nội dung, đối tượng điều tra trong Dự án này được tính theo tỷ lệ: 1:100.000, nghĩa là sẽ tiến hành điều tra, khảo sát tổng quan các sông suối thuộc vùng dự án và chi tiết các sông suối có chiều dài ≥ 30 km, các hồ chứa có dung tích ≥ 0,5 triệu m3 thuộc vùng dự án.
2– Đo đạc bổ sung mực nước, lưu lượng ở các vị trí giáp biên giới thuộc vùng Dự án mà trước đây chưa đo đạc được để đánh giá lượng nước chảy vào hoặc chảy ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (trong vùng Dự án); đo đạc lưu lượng, lấy mẫu nước (tại mỗi vị trí đo lưu lượng có kết hợp đo nhanh một số chỉ tiêu chất lượng nước hiện trường).
3– Áp dụng công cụ mô hình, kỹ thuật GIS để phân tích, tính toán, đánh giá tài nguyên nước mặt trong vùng Dự án
Dự án được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho các ngành khai thác, sử dụng nguồn nước mặt đặc biệt là góp phần giải quyết nguồn nước cho các hộ dân nghèo nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế và giữ vững anh ninh, quốc phòng vùng biên giới Việt – Lào.