Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước dưới đất ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận?
Trả lời:
Nước dưới đất bị ô nhiễm chủ yếu có 2 nhóm nguyên nhân sau:
* Nước dưới đất bị ô nhiễm do yếu tố tự nhiên:
– Nước dưới đất bị ô nhiễm Asen:
Ô nhiễm Asen trong nước dưới đất nguyên nhân chính là do cấu tạo địa chất. Cơ chế tại sao asen lại vào nước dưới đất hiện nay còn nhiều giả thuyết, đang nghiên cứu. Nhưng người ta biết rằng ở những vùng có cấu tạo địa chất có bù đắp phù sa lâu năm và có tác động của hệ thống vi khuẩn hoặc có những nguyên nhân khác chuyển Asen vào trong nước và từ đấy mà ô nhiễm nước dưới đất.
– Nước dưới đất bị ô nhiễm Florua:
+ Vùng nước dưới đất nước có hàm lượng Florua cao hơn tiêu chuẩn cho phép (F >1,0 mg/l) thường trùng với phương kéo dài và vị trí giao nhau của các đới đứt gãy kiến tạo. Các đứt gãy đó chính là những kênh dẫn nước từ dưới sâu lên, qua tương tác với các thành phần khoáng vật chứa Florua, làm tăng cao hàm lượng Florua trong NDĐ, rồi di chuyển, xâm nhập vào các tầng chứa nước ở phía trên.
+ Những nguồn nước khoáng Vĩnh Hảo, Châu Cát, sông Lòng Sông đều có hàm lượng Florua cao, có thể là nguồn cung cấp Florua cho tầng chứa nước nhạt lân cận.
– Nước dưới đất có độ cứng cao:
Chúng thường liên quan đến các trầm tích Jura chứa các tập cát, sét kết vôi. Những đất đá này khi bị thủy phân thường cho hàm lượng CaCO3 cao, làm cho nước có độ cứng cao. Ngoài ra, nước bị nhiễm mặn cũng làm cho độ cứng của nước cao.
* Nước dưới đất ô nhiễm do các hoạt động nhân sinh:
– Nước thải sinh hoạt, bệnh viện, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: hệ thống thoát nước, xử lý nước thải ở hầu hết thành phố, thị xã thị trấn, thị tứ đều chưa đạt yêu cầu cả về công suất lẫn kỹ thuật;
– Rác thải sinh hoạt, bệnh viện, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: hầu hết các khu đô thi, các khu công nghiệp đều chưa có đủ hệ thống thu gom, xử lý rác thải (kể cả rác độc hại) đạt yêu cầu về công suất và kỹ thuật; vùng nông thôn vấn đề này hầu như chưa được quan tâm;
– Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi, như phun thuốc không theo hướng dẫn, quá liều lượng quy định, sử dụng phân bón không theo đúng giai đọan sinh trưởng của cây trồng. Lượng dư thừa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong đất, gây ô nhiễm môi trường đất và nguồn nước.
– Nhiễm mặn, ô nhiễm nước dưới đất do hoạt động nuôi trồng thủy sản: Một cảnh báo khác từ các hồ tôm là việc ô nhiễm vùng biển và nước dưới đất do chất thải từ các hồ tôm. Chất thải chưa qua xử lý sẽ hủy diệt nguồn sống của các loài hải sản ven bờ. Mặt khác, số chất thải không qua xử lý mà tự do thải trực tiếp ra cạnh các ao nuôi tôm đã thẩm lậu vào đất, gây mặn hóa tầng chứa nước. Theo đó, diện tích rừng phòng hộ ven biển có nguy cơ bị chết do xâm nhập nước mặn. Một số diện tích rừng phòng hộ ven biển ở Tuy Phong bị chết trong các năm 2000 đến 2003 có thể là một minh chứng.
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng diện tích nuôi tôm là sự chặt phá rừng ngập mặn phòng hộ ven biển và khai thác tùy tiện, quá mức nguồn nước ngầm để nuôi tôm, đã gây nhiễm mặn và suy giảm tầng chứa nước ngọt tại các khu vực nuôi tôm, điều này thể hiện rõ nhất ở các khu vực Tuy Phong – Bình Thuận.