Trả lời:
Lưu nước dưới đất là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng trong việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên thế giới. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trên thế giới và trong nước về các công nghệ lưu trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn đề tài “Nghiên cứu đề xuất quy trình công nghệ tích nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn vùng Đồng bằng Sông Hồng“ đã hoàn thành nghiên cứu mang nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn, chủ nhiệm đề tài là Th.S Đào Văn Dũng. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn ở vùng đồng bằng sông Hồng dựa trên mô hình ASR, bổ cập nước qua các giếng là một loại công nghệ cụ thể để bổ cập nước vào tầng chứa nước, thường được gọi là bổ cập tầng chứa nước được quản lý.
Để áp dụng thành công lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng đúng đắn các quy trình cụ thể. Quy trình của việc xây dựng thiết kế và vận hành một dự án được đề xuất như sau:
– Quy trình xây dựng – vận hành thử nghiệm
Sau khi nghiên cứu tổng quan, xác định được vị trí, lưu lượng cũng như khả năng đáp ứng của các tầng chứa nước, quy trình vận hành mô hình được đề xuất dưới đây là các bước cần thiết để đảm bảo vận hành công trình bền vững và ổn định. Cụ thể như sau:
Bước 1: Nghiên cứu, thăm dò địa tầng khu vực
+ Khoan thăm dò, lấy mẫu: Lấy mẫu toàn chiều sâu lỗ khoan
+ Đo Karota: Xác định chính xác địa tầng, mức độ đồng nhất của đất đá, độ mặn của nước trong tầng chứa nước,
+ Thiết kế giếng ASR cấu trúc phù hợp.
+ Khoan doa, chống ống và bơm thổi rửa.
+ Bơm thí nghiệm: Tiến hành bơm thí nghiệm với lưu lượng tốt nhất của giếng, tính toán thông số địa chất thủy văn, độ lỗ rỗng hữu hiệu của đất đá. Lấy và phân tích chất lượng nước.
Bước 2: Vận hành thử nghiệm, đánh giá khả năng lưu trữ
+ Trên cở sở kết quả bơm thí nghiệm, tiến hành thiết kế vận hành thử nghiệm hệ thống với ít nhất 3 vòng thí nghiệm, với thời gian thí nghiệm tương đương với khoảng thời gian vận hành chính thức. Lưu lượng ép và lưu lượng hút lấy bằng ½ lưu lượng bơm thí nghiệm.
+ Tính toán: hệ số thu hồi theo thời gian ở các vòng thí nghiệm.
+ Đánh giá chất lượng nước thu hồi theo thời gian của các vòng thí nghiệm (Quan trắc độ mặn theo thời gian, lấy mẫu đánh giá chất lượng nước).
+ Xây dựng đồ thị về sự thay đổi độ mặn của nước theo thời gian để tính toán các khoảng thời gian lưu trữ và thu hồi hiệu quả.
Trên cơ sở các kết quả vận hành thử nghiệm tiến hành xây dựng quy trình vận hành sản xuất bao gồm các yếu tố sau:
+ Xác định khoảng thời gian bổ cập – lưu trữ và thu hồi: tính toán thời gian bổ cập và lưu trữ theo hiện trạng và mục tiêu của mỗi nhà máy nước hoặc đơn vị dùng nước.
+ Thiết kế quy trình: Bao gồm các thiết bị trong, ngoài giếng bổ cập – khai thác như máy bơm, hệ thống quan trắc.
+ Xác định quy trình bổ cập, thau rửa, thu hồi của các giếng ASR.
Một trong những vấn đề chính trong hoạt động của hệ thống ASR là công suất của giếng giảm xuống do tắc giếng (hiện tượng Clogging), đặc biệt là khi nước bổ cập có chứa nồng độ tổng chất rắn lơ lửng đáng kể kết hợp với tầng chứa nước hạt mịn. Việc tắc nghẽn giếng có thể được ngăn ngừa bằng cách xử lý trước nguồn nước bổ cập hoặc bằng cách rửa ngược thường xuyên. Một giếng bị tắc có thể được phục hồi bằng cách cọ rửa vật lý, axit hóa, phun và tẩy (Olsthoorn, 1982).
Quá trình vận hành mô hình lưu trữ kết hợp với quá trình vận hành của nhà máy nước trong điều kiện hiện nay đảm bảo cho việc lưu trữ nguồn nước ngọt trong thời gian lâu dài, không tốn chi phí và mặt bằng. Công nghệ này là cơ sở khoa học cần được áp dụng cho lưu trữ nguồn nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn đến các nhà máy, đơn vị khai thác sử dụng nước, đặc biệt là tại các khu vực ven biển, nơi thường phải chịu tác động lớn từ hạn hán và xâm nhập mặn.