Yên Bái nằm ở vùng Tây Bắc tiếp giáp với Đông Bắc. Phía đông bắc giáp hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, phía đông nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía tây nam giáp tỉnh Sơn La, phía tây bắc giáp hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội 180 km.
Theo số liệu điều tra về hiện trạng khai thác tài nguyên nước tỉnh Yên Bái của các ngành, ước tính năm 2012, toàn tỉnh đã khai thác khoảng 280 triệu m3/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp khai thác nước nhiều nhất với lượng nước 235 triệu m3/năm (chiếm 84 % lượng nước khai thác); tiếp đến là sinh hoạt với 26 triệu m3/năm (chiếm 9,2%) và công nghiệp khai thác 19 triệu m3/năm (chiếm 6,7%).
Trong 280 triệu m3 nước được khai thác, lượng nước khai thác từ nguồn nước mặt vẫn chiếm ưu thế với tổng lượng nước được khai thác đạt 258 triệu m3 (chiếm 92% tổng lượng nước khai thác), nước ngầm chỉ được khai thác 22 triệu m3 (chiếm 8%).
Mục tiêu của Quy hoạch bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước, phát triển bền vững tài nguyên nước; chủ động phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đáp ứng nhu cầu nước cho các lĩnh vực đời sống, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng; góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Để bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả, tỉnh Yên Bái cần triển khai thực hiện tốt Quy hoạch bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013, trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
– Thứ nhất là: Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước trong điều kiện cụ thể của tỉnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do các hoạt động của con người gây ra
– Thứ hai là: Chủ động, tăng cường trong công tác thanh tra, kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; xử lý các nguồn gây ô nhiễm liên quan đến môi trường nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái (như: xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế tại các khu vực đô thị, nông thôn; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đạt quy chuẩn môi trường tại các khu, cụm, cơ sở công nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản…)
– Thứ ba là: Điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả; Đảm bảo chất lượng nước mặt sông, suối, ngòi, ao hồ, đầm… theo các mục đích sử dụng nước tương ứng với các quy chuẩn môi trường cho phép; Kiểm soát được lượng nước thải theo quy chuẩn nước thải cho phép; đảm bảo chiều sâu mực nước giới hạn có thể khai thác đối với nước ngầm.
– Thứ tư là: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý tài nguyên nước ở các cấp; Ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước…
Để bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì giải pháp của tỉnh đề ra như sau:
– Thứ nhất là các giải pháp về quản lý: như tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước các cấp, ngành; tăng cường công tác quản lý và cấp phép sử dụng tài nguyên nước; Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc khai thác sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước, trong việc giám sát các quy định pháp luật về tài nguyên nước. Tăng cường năng lực và sự tham gia của các bên liên quan trong bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.
– Thứ hai là các giải pháp kỹ thuật trong bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước như: Phân bổ nguồn nước theo quy mô công trình đảm bảo không vượt quá giới hạn cho phép của từng tiểu vùng quy hoạch; quản lý, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng nước; xây dựng mạng quan trắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các khu dùng nước. Phát hiện sớm các vi phạm, đặc biệt là trong các khu vực có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước; Tăng cường điều tra, thăm dò khả năng khai thác tài nguyên nước dưới đất. Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Xây dựng các đới phòng hộ vệ sinh cho các nguồn nước, thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn thải, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, duy trì dòng chảy môi trường; Tu bổ các công trình, hồ chứa trọng điểm đảm bảo an toàn sẵn sàng tham gia chống lũ. Xây dựng các hành lang thoát lũ đảm bảo an toàn hồ đập.
– Thứ ba là các giải pháp về công nghệ như: Đầu tư phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý; khuyến khích ứng dụng những thành tựu về công nghệ, kỹ thuật mới trong công nghiệp chế biến, khai khoáng…, cải tiến đầu tư thay thế công nghệ lạc hậu, áp dụng các quy trình cấp nước tiên tiến để tiết kiệm nguồn nước và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước.
(Thanh Sơn)