Câu hỏi: Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ gồm những nội dung nào?
Trả lời:
Khả năng tự bảo vệ có thể được hiểu “là khả năng tự chống lại của tầng chứa nước khi bị ảnh hưởng bất lợi do chất ô nhiễm tác động lên”. Một số nơi dùng thuật ngữ “tính dễ bị tổn thương của nước ngầm” được hiểu với ý nghĩa đối lập với khả năng tự bảo vệ trước ô nhiễm. Đánh giá khả năng tự bảo vệ của tầng chứa nước chính là việc kiểm tra “sức khoẻ nội tại” của tầng chứa nước trước những nguy cơ nhiễm bẩn tác động đến.
Vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ bao gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đây là khu vực kinh tế phát triển ở mức độ trung bình, là vựa lúa lớn nhất đồng bằng Bắc bộ và có nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng. Trong khu vực có tới 80% dân số sinh sống bằng nghề nông nghiệp, điều kiện sinh hoạt và sử dụng nước sạch còn nhiều hạn chế. Khu vực 3 tỉnh đã được nghiên cứu đánh giá qua các tài liệu điều tra địa chất thuỷ văn qua các thời kỳ do Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc thực hiện từ 1981 đến nay bao gồm các tầng chứa nước khe nứt đá vôi T2a đg, T1 cl và Neogen hệ tầng Vĩnh Bảo; tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Đệ tứ: Holocen trên (qh2), Holocen dưới (qh1) và Pliestocen (qp). Hiện nay nước dưới đất được khai thác chủ yếu trong các tầng qp, qh2 và T2a đg.
Công tác điều tra cơ bản địa chất thủy văn và tài nguyên nước dưới đất đã được nghiên cứu và thực hiện từ những năm 70 đến nay trên địa bàn 3 tỉnh. Trong các báo cáo trước đây đều đánh giá tầng Pleistocen giàu nước, tuy nhiên đều chưa bố trí chùm thí nghiệm để đánh giá mối quan hệ thuỷ lực, xác định các thông số quan trọng của tầng chứa nước như vận tốc thấm thực, hệ số nhả nước đàn hồi, độ lỗ rỗng hữu hiệu. Các báo cáo cũng chưa nghiên cứu đánh giá giá trị bổ cập cho tầng chứa nước. Nghiên cứu sự phân bố lớp sét cách nước bảo vệ tầng chứa nước Pleistocen. Do đó, đánh giá khả năng tự bảo vệ tầng chứa nước sẽ là cốt lõi của vấn đề bảo vệ để hạn chế các tác động và ảnh hưởng đến tầng chứa nước khỏi ô nhiễm, suy thoái chất lượng và số lượng cho tầng chứa nước.
Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc bộ gồm các nội dung:
* Điều tra bổ sung phục vụ đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất
– Điều tra bổ sung tài nguyên nước dưới đất phục vụ đánh giá khả năng tự bảo vệ cho các tầng chứa nước:
+ Đối với tầng chứa nước Holocen (qh) phân bố rải rác và hầu khắp phạm vi nghiên cứu. Trên diện phân bố này sẽ tiến hành điều tra về các yếu tố chính: mực nước, lượng bổ cập, thành phần đất đá tầng chứa nước, thành phần đất đá lớp phủ, độ dốc địa hình, hệ số thấm của tầng chứa nước, đới thông khí và chất lượng tầng chứa nước;
+ Đối với tầng chứa nước Pleistocen (qp) trên cơ sở diện phân bố tầng chứa nước, tiến hành điều tra nghiên cứu bổ sung về đặc tính của lớp sét cách nước (aQIIIvp), mực nước, chất lượng nước, hướng, tốc độ dịch chuyển và lan truyền theo 2 phương thẳng đứng và nằm ngang;
+ Đối với tầng chứa nước trong đá vôi Karst (T2a đg) trên cơ sở diện phân bố tầng chứa nước, tiến hành điều tra bề dày lớp phủ mặt địa hình, lớp phủ thảm thực vật, độ dốc địa hình, hệ số phát triển Karst, hố sụt, dòng chảy mặt;
– Điều tra, khảo sát thực địa xác định các nguồn và điểm nguy cơ nhiễm bẩn về diện phân bố, ranh giới, đặc điểm và sự ảnh hưởng của nó đến các tầng chứa nước để kiểm chứng đối với kết quả lập bản đồ khoanh vùng tự bảo vệ của các tầng chứa nước nêu trên.
* Đánh giá khả năng tự bảo vệ nước dưới đất
– Đánh giá khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước chính bằng phương pháp bán định lượng như: đối với tầng chứa nước Holocen sử dụng phương pháp DRASTIC, Pleistocen (qp) sử dụng phương pháp mô hình số dòng chảy và dịch chuyển vật chất, tầng chứa nước đá vôi Karst (T2a đg) sử dụng phương pháp COP;
– Tính toán xác định nguy cơ và sự dịch chuyển chất gây ô nhiễm nước dưới đất bằng phương pháp mô hình số;
– Thành lập bộ bản đồ khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước tỷ lệ 1:50.000 cho toàn vùng. Bao gồm các bản đồ tổng hợp và bộ bản đồ chỉ số đánh giá khả năng tự bảo vệ tầng chứa nước;
* Các đề xuất đánh giá khả năng bảo vệ các tầng chứa nước
+ Đối với vùng có khả năng tự bảo vệ kém sẽ tiến hành xây dựng thí điểm khoanh đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất với tỷ lệ 1:10.000 (dự kiến mỗi tầng lựa chọn 1 công trình thí điểm);
+ Phân vùng khả năng tự bảo vệ nước dưới đất trên cơ sở đó đề xuất các vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất;
Dự án làm rõ khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước trong 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Dự án cũng đánh giá tiềm năng nước dưới đất, xác định điều kiện phân bố, biến động các nguồn nước dưới đất tại khu vực trọng điểm, đánh giá khả năng khai thác sử dụng nước dưới đất phục vụ dân sinh tại các thấu kính nước ngọt quý giá trong khu vực. Các ngành kinh tế – xã hội có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ căn cứ thông tin kết quả điều tra cũng như quy hoạch, kế hoạch khai thác nguồn nước để xây dựng và thực hiện quy hoạch chuyên ngành giảm thiểu các rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế.