Trả lời:
Dự án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Đô thị Tuy Hòa do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia ( Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phạm vi thực hiện được xác định bao gồm: toàn bộ thành phố Tuy Hòa và một phần các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa với tổng diện tích 680 km2.
Nhiệm vụ chính của dự án gồm: Xác định được điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng nước dưới đất; Xác định nguy cơ và mức độ nhiễm mặn, ô nhiễm và cạn kiệt nước dưới đất; Thực hiện một số giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nước dưới đất tại đô thị Tuy Hòa.
Trên cơ sở quy định của Luật Tài nguyên nước về bảo vệ tài nguyên nước và các vấn đề thực tế của các đô thị, công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất đô thị Tuy Hòa tập trung nghiên cứu để giải quyết các vấn đề chính sau đây:
Khắc phục các vấn đề về cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn của các tầng chứa nước.
– Phân tích dự báo xu thế biến động tài nguyên nước, xác định các vấn đề về khai thác sử dụng từ đó xây dựng và đề xuất các phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất cho đô thị;
– Khoanh định và lập bản đồ vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, đề xuất các phương án hạn chế;
– Đánh giá và phân loại mức độ ô nhiễm đối với từng nguồn nước dưới đất, xây dựng bản đồ phân vùng mức độ ô nhiễm, nhiễm mặn các tầng chứa nước cần bảo vệ;
– Xác định mức độ cạn kiệt nước dưới đất trong từng tầng chứa nước, xác định mực nước giới hạn, đánh giá mức độ cạn kiệt tại các công trình khai thác nước dưới đất theo quy định tại Nghị định số 167/2018/NĐ-CP Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất;
– Xây dựng các phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất đồng thời đưa ra thứ tự ưu tiên thực hiện cho từng vùng.
Bảo vệ chất lượng nước sinh hoạt.
– Phân tích, lựa chọn phương pháp xác định vùng bảo hộ vệ sinh cho các công trình lấy nước sinh hoạt, khoanh định vùng bảo vệ miền cấp cho các tầng chứa nước;
– Khoanh định và lập danh mục vùng bảo hộ vệ sinh cho các công trình lấy nước sinh hoạt.
Quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất.
– Rà soát hiện trạng mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất hiện hữu;
– Thiết kế mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất gồm cả về số lượng, chất lượng nước dưới đất, các hoạt động khai thác và xả thải vào nguồn nước;
– Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và vận hành mạng quan trắc nước dưới đất.
Thực hiện các giải pháp công trình.
– Hoàn thiện mạng quan trắc nước dưới đất: kế thừa mạng quan trắc trung ương, địa phương và các công trình thi công của đề án; luận chứng thiết kế mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất cho đô thị;
– Kết quả xác định và khoanh vùng các đới phòng hộ, bảo vệ sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho địa phương để tiến hành cắm mốc, xây dựng biển báo các hoạt động được phép, không được phép trong vùng bảo hộ;
– Đánh giá khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất: sau khi có kết quả điều tra, khoanh định miền cấp, miền vận động và thoát của nước dưới đất, đánh giá khả năng và xác định ví trí dự kiến xây dựng công trình bổ sung nhân tạo và bàn giao cho địa phương thực hiện.