– Đặc trưng hình thái các nguồn nước mặt: Phân cấp các sông suối và xác định khu vực bị mất dòng chảy tại xã Minh Tân, khu BTTN Phong Quang, xã Quyết Tiến, Tùng Vài, Tả vank, Cao Mã Pờ…
– Bình đồ cấu trúc địa chất tại khu vực nghiên cứu nhìn chung phức tạp và rất phức tạp và mang tính uốn nếp – khối tảng rõ nét với sự tham gia của nhiều thành tạo địa chất khác nhau. Cấu trúc địa chất nguyên thuỷ bị phá vỡ, bị dịch chuyển bởi sự hoạt động mạnh mẽ của hoạt động kiến tạo đứt gãy nhiều pha và bởi sự hoạt động magma xâm nhập. Khu vực nghiên cứu nằm trên phạm vi đới cấu trúc Lô Gâm, Sông Hiến.
– Trên phạm vi địa bàn huyện Quản Bạ, Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang thuộc lưu vực sông Lô – Gâm , phát triển khá phong phú các yếu tố cấu trúc phá huỷ (đứt gãy, khe nứt) thể hiện bởi các yếu tố ảnh dạng tuyến (photolineament). Sau khi đối sánh với các tài liệu địa chất hiện có, các photolineament được phân thành 2 cấp theo vai trò trong bình đồ cấu trúc địa chất của các đứt gãy tương ứng. Theo phương phát triển, các photolineament được chia thành 4 nhóm: Tây Bắc – Đông Nam, Đông Bắc – Tây Nam, vĩ tuyến – á vĩ tuyến, kinh tuyến – á kinh tuyến, trong đó nhóm TB – ĐN và ĐB – TN phát triển mạnh nhất. Các cấu trúc vòng có mức độ phát triển trung bình và phân bố không đồng đều. Bản chất của chúng chưa được xác định rõ ràng. Rất có thể chúng liên quan đến các khối nâng, hạ tân kiến tạo địa phương, các hố sụt, hang karst ngầm hoặc các thể magma lộ ra hoặc chưa lộ ra trên bề mặt địa hình hiện tại.
Các khu vực gia tăng mật độ khe nứt và đứt gãy, thể hiện trên các sơ đồ mật độ độ dài photolineament và cấu trúc vòng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các khu vực có triển vọng dự báo giàu nước ngầm khi kết hợp với các thông tin khác như thạch học, lớp phủ thực vật, địa hình,…
Trên khu vực nghiên cứu, theo kết quả phân tích ảnh và đối sánh với các tài liệu khác các tác giả đã xác định 1 tầng chứa nước lỗ hổng, 5 tầng chứa nước khe nứt – karst, 3 thành tạo địa chất rất nghèo nước, 5 đoạn sông ngầm dự kiến, 8 điểm lộ nước dự kiến, 15 khu vực tập trung đông dân cư, 4 khu vực khai thác – chế biến khoáng sản và các hoạt động nhân sinh khác, 8 vị trí trượt lở đất đá, 9 vị trí thường xuyên xảy ra lũ quét.
Trên khu vực nghiên cứu các tác gỉa phân chia được 9 nhóm đá có thành phần thạch học khác nhau, gồm: 1. Nhóm trầm tích bở rời, 2. Nhóm trầm tích lục nguyên hạt thô áp đảo, 3. Nhóm trầm tích lục nguyên hạt mịn áp đảo, 4. Nhóm trầm tích lục nguyên hạt mịn và hạt thô xen kẽ, 5. Nhóm trầm tích lục nguyên – carbonat, 6. Nhóm trầm tích carbonat, 7. Nhóm các thành tạo biến chất và 8. Nhóm các đá magma xâm nhập axit, 8. Nhóm các đá magma siêu bazơ.