Các nhân tố ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất bao gồm các nhân tố tự nhiên như khí hậu, thủy văn, hải văn. Các nhân tố nhân tạo có thể kể đến do hoạt động khai thác nước của con người, tưới tiêu…để có thể xây dựng được phương pháp dự báo mực nước dưới đất vùng Tây Nguyên cần đi sâu tìm hiểu các nhân tố này:
Nhóm các nhân tố tự nhiên bao gồm: lượng mưa, lượng bốc hơi, độ ẩm không khí, và thủy văn, trong đó quan trọng nhất là lượng mưa.
– Lượng mưa
Nước mưa là một nhân tố cung cấp chủ yếu cho nước dưới đất, vì vậy nó là một trong những điều kiện chủ yếu hình thành tài nguyên nước dưới đất. Điều này có thể được mình chứng cho việc dao động của mực nước ngầm có liên hệ chặt trẽ với chế độ và lượng mưa của vùng. Một đặc điểm đáng chú ý đối với mối quan hệ giữa chế độ mưa và diễn biến tài nguyên nước dưới đất khu vực Tây Nguyên đó là sự “lệch pha” của dao động mực nước và lượng mưa tùy thuộc vào bề dày của đới
– Lượng bốc hơi:
Qua phân tích tài liệu cho thấy ảnh hưởng của lượng bốc hơi đến động thái nước dưới đất chỉ xảy ra mạnh mẽ ở những khu vực có chiều sâu mực nước ngầm nhỏ hơn 5 m. Những vùng có chiều sâu mực nước ngầm lớn hơn 5m, mức độ ảnh hưởng của lượng bốc hơi đến mực nước ngầm không lớn.
– Độ ẩm không khí
Phần lớn các vùng Tây Nguyên có giá trị độ ẩm không khí từ 80 đến 85%, có xu thế tăng theo độ cao địa hình. Ở vùng núi Ngọc Linh, cao nguyên Lâm Đồng độ ẩm đạt 85 – 90%, còn ở thung lũng sông Ba và bình nguyên Ea Súp – chỉ đạt 75 – 80%. Độ ẩm tương đối thay đổi rõ rệt trong năm. Độ ẩm tương đối đạt giá trị lớn nhất (88 – 92%) vào tháng 7 – tháng 9 và thấp nhất (70 – 72%) vào tháng 2- tháng 3. Những nơi chiều sâu mực nước ngầm nhỏ hơn 5m thì mực nước dưới đất và độ ẩm có mối tương quan chặt chẽ (hệ số tương quan lớn hơn 0,75), những nơi chiều sâu mực nước ngầm lớn hơn 5m thì mức độ tương quan kém hơn.
– Mạng thủy văn
Hầu hết sông suối ở Tây Nguyên là phần thượng nguồn của những con sông chính có độ dốc lòng sông lớn, trung bình từ 0,3 đến 3m/km, lòng sông hẹp chảy quanh co uốn khúc. Các sông suối trong vùng được tập hợp theo 4 lưu vực chính.
2. Các nhân tố nhân tạo
Nhóm các nhân tố nhân tạo ảnh hưởng đến động thái của nước dưới đất vùng Tây Nguyên bao gồm: chế độ tưới tiêu, hệ thống khai thác nước dưới đất, xây dựng hồ đập, trồng rừng, chặt phá rừng.
– Tưới tiêu
Lượng nước tưới tiêu ở Tây Nguyên phổ biến là nước tưới cho các khu vực trồng cây công nghiệp: cà phê, chè…, chỉ tập trung tưới vào những tháng mùa khô và tưới theo từng đợt đại trà. Toàn Tây Nguyên có khoảng 430.000 ha cây công nghiệp phải tưới, với lượng nước 2.100m3/ha-vụ. Ngoài ra còn có các hệ thống đập thủy lợi dẫn nước về tưới cho các cánh đồng trồng lúa và hoa màu.
– Khai thác nước dưới đất
Trên lãnh thổ Tây Nguyên những năm vừa qua, cùng với phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số thì diện tích trồng các loại cây công nghiệp có giá trị cao cũng phát triển một cách mạnh mẽ và là nguyên nhân chính dẫn đến việc khoan khai thác nước dưới đất quá mức. Vì vậy, động thái nước dưới đất bị ảnh hưởng ngày một nhiều hơn là một điều tất yếu.
– Ảnh hưởng của việc xây dựng các hồ đập
Tây Nguyên là một trong những khu vực có mật độ hồ đập lớn nhất cả nước. Đi từ phía bắc (Kon Tum) xuống phía nam (Lâm Đồng), bức tranh về hồ đập phân bố không đều, càng xuống phía phía nam mật độ hồ đập càng dày hơn. Sự phát triển của hồ đập phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với các hồ đập tự nhiên sinh thành do lịch sử địa chất để lại, còn các hồ nhân tạo do bàn tay con người xây dựng gồm các hồ to nhỏ khác nhau.
Chế độ vận hành của hồ đập trên Tây Nguyên tuân thủ theo mùa thời vụ gieo trồng và mùa khí hậu (mưa, khô). Mùa mưa chủ yếu là tích nước và xả lũ, mùa khô điều tiết nước tưới. Những tháng mùa khô, diện tích đất trồng ở Tây Nguyên phụ thuộc phần lớn nguồn nước tưới từ hồ đập và sông suối.
– Ảnh hưởng của trồng rừng và chặt phá rừng
Tây Nguyên rộng 5,527 triệu ha, chiếm 17% diện tích cả nước. Đặc điểm thảm thực vật của Tây Nguyên phong phú và đa dạng, diện tích rừng già, rừng cây to chiếm một tỷ lệ lớn.
Trong những năm qua, cùng với sự trồng rừng kèm theo liên tục là hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi. Năm 1976 Tây Nguyên có 3,7 triệu ha rừng tự nhiên với độ che phủ 66,9%, đến nay chỉ còn 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ 56,7%. Bình quân mỗi năm mất gần 30.000 ha rừng. Điều này đã làm cho các tỉnh Tây Nguyên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước, lũ lụt, xói mòn đất và làm tăng nguy cơ xảy ra lũ bùn.