Trả lời:
Hiện nay có 04 vấn đề trong bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình:
- Chất lượng nguồn nước chưa đáp ứng cho các mục đích sử dụng
- a) Chất lượng nước trên dòng chính sông Hồng từ trạm thủy văn Tuần Quán xuống đến sông Hồng tại cống Ngô Đồng cho thấy rõ một số nguồn gây ô nhiễm khá mạnh tại Việt Trì, sau nhập lưu sông Lô vào sông Hồng, hay đoạn tiếp nhận nước thải đô thị từ thành phố Hà Nội và vùng lân cận (tính từ sau trạm thủy văn Hà Nội).
- b) Ô nhiễm do nước thải từ công nghiệp – các làng nghề: Các khu công nghiệp tập trung ngoài các khu cũ, các khu mới đang hình thành và phát triển như: khu Đông Bắc Hà Nội, khu Nam Thăng Long, khu Bắc Thăng Long, khu Sóc Sơn, khu Hoà Lạc, khu công nghiệp Đồ Sơn, khu Nomura – Hải Phòng, khu Đình Vũ, khu Minh Đức… Tổng số toàn ĐBSH -STB mới có thêm 32/145 khu công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động của cả nước. Trên lưu vực đã xảy ra tình trạng các khu công nghiệp xả nước thải chưa được xử lý, hoặc xử lý không triệt để gây ô nhiễm trên lưu vực sông Hồng mà báo chí đã nêu. Trên lưu vực sông Hồng hiện nay có hai con sông là sông Nhuệ và sông Ngũ Huyện Khê đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ sản xuất và sinh hoạt.
- c) Ở làng nghề tái chế chì Đông Mai (Hưng Yên), nồng độ chì vượt quá 2.600 lần tiêu chuẩn cho phép. Nghề thuộc da, làm miến dong ở Hà Nội cũng thường xuyên thải ra các chất như bột, da, mỡ làm cho nước nhanh bị hôi thối, ô nhiễm nhiều dòng sông chảy qua làng nghề, các làng nghề Phong Khê, Dương Ổ – Phú Lâm, Phúc Xuyên, Đai Hội, Đồng Kỵ v.v… (Bắc Ninh) nước thải, rác thải từ sản xuất rượu, giấy, đồ mỹ nghệ đã làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
- d) Sông Nhuệ – Đáy ô nhiễm do nước thải:
– Chất BOD5 vượt quá giới hạn cho phép của quy chuẩn kĩ thuật quốc gia lên tới 3,8 lần ; COD cao hơn 2,73 lần giới hạn cho phép ; Coliform cao hơn 10 lần hạn cho phép loại A2. Tính đến cuối năm 2014, sông Đáy và sông Nhuệ có tới 8 lần bị xả thải ô nhiễm và tình trạng ô nhiễm không giảm bớt so với năm trước.
– Những kênh mương dọc sông Nhuệ – Đáy gần các khu dân cư nguồn nước đen ngòm trở thành nơi chứa rác, chất thải ở các khu dân cư để chảy thẳng ra sông Nhuệ – Đáy khiến dòng sông ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 10/2015, trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy có khoảng 1.950 nguồn thải, trong đó 1.542 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh, 40 nguồn thải của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 132 cơ sở y tế, 142 làng nghề.
- Các vấn đề về hệ sinh thái thủy sinh
– Theo kết quả được công bố trong Báo cáo điều tra nghiên cứu về hiện trạng và biện pháp bảo vệ, phục hồi một số loài cá hoang dã quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên hệ thống sông Hồng do nhóm tác giả Phạm Báu, Nguyễn Ðức Tuân, Bùi Ðình Ðặng, Nguyễn Công Thắng (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I) tiến hành năm 2006, 4 loài cá quý hiếm của sông Hồng là cá lăng chấm (Hemibagrus gutattus Lacépède, 1803), cá chiên (Bagarius yarrelli Sykes, 1839), cá bỗng (Spinibarbus denticulatus Oshima, 1926) và cá anh vũ (Semilabeo obscous Lin., 1981) đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, xếp ở mức nguy cấp bậc 2.
Báo cáo cũng cho thấy, sự phân bố của 4 loài cá này trên hệ thống sông Hồng đang ngày càng thu hẹp, nhìn chung có xu hướng lùi dần về phía thượng lưu các sông, suối, nơi có địa hình hiểm trở, phía hạ lưu không gặp hoặc rất ít gặp. Bãi đẻ của 4 loài này hầu như không còn, cá đẻ phân tán, rải rác trên khu vực thượng nguồn các sông, suối.
Không chỉ những loài cá có giá trị kinh tế cao đang ngày càng biến mất, những loài cá thông thường vốn rất đa dạng, phong phú trong sông Hồng ngày xưa như cá trôi, cá mè và các loài thủy sinh khác cũng đã ngày càng bị suy giảm về số lượng cá thể và thành phần loài do các kiếu đánh bắt hủy diệt của con người.
- Sự biến đổi lòng dẫn
– Hệ thống phân lũ sông Đáy, được xây dựng từ thời thuộc Pháp, nằm cách Hà Nội 35 km về phía thượng lưu. Tuy nhiên, do hệ thống này không được sử dụng thường xuyên nên lòng dẫn bị bồi lắng khiến người dân sinh sống và canh tác ở những vùng ngập lũ.
– Gần đây, tỉ lệ phân lưu của dòng chảy sông Hồng sang sông Đuống đã tăng lên do những thay đổi về lòng dẫn dưới tác động của hồ Hòa Bình. Cần đo đạc tỉ lệ này để xác định nguồn nước của phân lưu ở hạ lưu sông Thái Bình.
- Ô nhiễm Asen trong nước dưới đất
Do hoàn cảnh lịch sử phát triển, một số nguồn nước ngầm đang khai thác, đặc biệt là một số hệ thống cấp nước nằm ở phía nam Hà Nội bị ô nhiễm bởi amoni và asen cao hơn mức độ cho phép đối với nước ăn uống theo tiêu chuẩn hiện hành.
Trong vùng nội và ngoại thành Hà Nội, nước ngầm cũng được khai thác để sử dụng cho quy mô nhỏ – khu tập thể hoặc các hộ giá đình. Các nguồn nước ngầm khai thác từ các giếng khoan (một phần giếng đào) cũng bị ô nhiễm bởi Asen và Amoni.
Theo thống kê của tổ chức WHO năm 2004 theo kết quả điều tra tại một số tỉnh trên lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình cho thấy tỷ lệ giếng có hàm lượng Asen cao hơn tiêu chuẩn của WHO tập trung chủ yếu ở các tỉnh như: Hà Nam, Hà Nội.
Theo PGS.TS Lê Văn Cát, Trưởng phòng Hóa – Môi trường, Viện Hóa học Việt Nam thì tỉnh, thành phố có nhiều người nhiễm asen nhất chính là Hà Nội mở rộng hiện nay. Nhiều nơi mức nhiễm vượt quá hàng chục lần cho phép. Ô nhiễm hầu hết là các giếng nhỏ của gia đình và riêng đồng bằng bắc bộ có khoảng 5 triệu chiếc giếng như vậy. Đánh giá của UNICEF còn cho thấy, khu vực phía nam Hà Nội ô nhiễm asen nặng nhất, thậm chí đứng đầu danh sách các địa chỉ ô nhiễm asen trên toàn quốc, đặc biệt tại một số khu vực thuộc phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), khu vực Thanh Trì .Và khu vực Hà Nội mở rộng hiện nay bao gồm cả Hà Nội cũ và Hà Tây cũ đều nằm trong danh sách có nguồn nước bị nhiễm asen cao như xã Đông Lỗ (Ứng Hòa), Liên Phương, Khánh Hà (Thường Tín), Thọ Xuân (Đan Phượng), Phương Trung (Thanh Oai). Theo Unicef và Tổ chức Y tế thế giới WHO thì ở Việt Nam hiện nay cứ năm người có một người có nguy cơ nhiễm asen trong nước. Rất nhiều nơi nhiễm asen ở mức độ nhiễm cao đã được phát hiện và nơi nhiễm nặng nhất là tỉnh Hà Nam. Trong khoảng gần 1 triệu dân Hà Nam thì khoảng 300 ngàn người bị phơi nhiễm asen.