Phương pháp nào được sử dụng để nghiên cứu xác định các thành phần trong cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông?

Câu hỏi: Phương pháp nào được sử dụng để nghiên cứu xác định các thành phần trong cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông?

Trả lời:

Đề tài sử dụng 6 phương pháp để nghiên cứu xác định các thành phần trong cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông.

1. Phương pháp kế thừa, thu thập tài liệu, xử lý thống kê các số liệu điều tra

Các số liệu điều tra từ trước đến nay về tài nguyên nước mưa, nước mặt, nước dưới đất, về địa chất, địa chất thủy văn, thủy địa hóa sẽ được thu thập kế thừa, thống kê, hệ thống hóa khai thác sử dụng để giảm bớt khối lượng công tác điều tra trực tiếp.

2. Phương pháp phân tích, kế thừa

Vấn đề nghiên cứu trong đề tài đã được các nước trên thế giới ứng dụng từ trước. Tuy nhiên vấn đề này ở Việt Nam còn khá mới mẻ và chưa đồng bộ, do đó để thực hiện đề tài, việc kế thừa, tổng quan các nghiên cứu đã có trên thế giới và thông tin của các chương trình dự án trong nước là rất quan trọng.

3. Phương pháp tổng hợp, thống kê

Các phương pháp này đã được sử dụng trong quá trình thực hiện thu thập, tổng hợp các tài liệu, đề tài, dự án liên quan đến nguồn nước tại Việt Nam cũng như thế giới, do đó sẽ được sử dụng trong việc nghiên cứu đề tài.

4. Phương pháp GIS và mô hình toán

Sử dụng công nghệ GIS để xử lý, số hóa các bản đồ chuyên môn, xây dựng các đường đẳng (đẳng mực nước dưới đất, đẳng trị mưa…), cộng bản đồ (phân bố nước và các tiêu chí phân bổ nước…).

Phương pháp mô hình toán xác định các điều kiện biên, điều kiện ban đầu hợp lý, tìm các lời giải giải tích, lời giải số trị cho các vấn đề nghiên cứu; xác định lượng nước dưới đất có thể khai thác, sử dụng; tính toán cân bằng nước để xác định lượng nước có thể sử dụng trước khi đem phân bổ cho các nhu cầu sử dụng trên lưu vực sông.

5. Phương pháp thí nghiệm ngoài trời

Các phương pháp thí nghiệm ngoài trời sau sẽ được áp dụng:

– Thí nghiệm thấm bổ sung (phương pháp Seepage) để nghiên cứu quan hệ thủy lực thông qua lượng thấm giữa nước sông và nước dưới đất dọc sông Đáy.

– Phương pháp thực địa lấy mẫu đất thí nghiệm để xác định hệ số thấm của lớp đất phủ bề mặt và lớp bùn sét đáy lòng sông.

– Phương pháp khoan nghiên cứu địa chất thủy văn và quan trắc động thái nước dưới đất để xác định mối quan hệ giữa nước mặt và nước dưới đất và lượng nước dưới đất vào-ra tại biên trên lưu vực nghiên cứu.

6. Phương pháp chuyên gia

Bằng các cuộc hội thảo khoa học, sẽ xây dựng được cơ sở khoa học xác định các yếu tố ảnh hưởng đến các thành phần tham gia vào phương trình cân bằng nước tổng hợp nước mặt và nước dưới đất; xây dựng bộ tiêu chí phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian cho lưu vực sông.