Được thành lập từ 2008, đến nay (2018), Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia tròn 10 tuổi. 10 năm qua, Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn, ngày càng vững mạnh trong công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch, quan trắc, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước giúp công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước ngày càng hiệu quả.
Kiện toàn bộ máy tổ chức để phát triển
Vào thời điểm năm 2008, nhu cầu cấp thiết đặt ra đối với Bộ TN&MT cần có một đơn vị có chức năng xây dựng quy hoạch, thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc và bảo vệ tài nguyên nước trong phạm vi cả nước giúp cho việc quản lý tài nguyên nước được đẩy mạnh… Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ TN&MT đã trình Chính phủ thành lập Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia (lúc đó là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước) trực thuộc Bộ TN&MT trên cơ sở nòng cốt là 3 Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc, miền Trung và miền Nam (lúc đó là Liên đoàn địa chất thủy văn và địa chất công trình) trực thuộc Cục Địa chất Khoáng sản và thành lập mới 04 Trung tâm. Tổng số đơn vị trực thuộc Trung tâm là 07 đơn vị trên địa bàn Bắc, Trung, Nam.
Những ngày đầu khi mới thành lập Trung tâm không chỉ thiếu về nhân sự mà nguồn nhân lực, điều kiện làm việc hết sức khó khăn, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc vô cùng nghèo nàn lạc hậu. Trung tâm phải “ở nhờ” địa điểm của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc. Sau đó với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự ủng hộ của các đơn vị trực thuộc Bộ và cao hơn hết là sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, viên chức người lao động, Trung tâm đã hoàn thiện về nhân sự, đầu tư trang thiết bị hiện đại bậc nhất về khoan, thăm dò, tìm kiếm nguồn nước.
Cho đến nay, Trung tâm đã có lực lượng nhân lực hùng hậu 854 người, trong đó trình độ đào tạo: Tiến sỹ 11 người (1,29%), Thạc sỹ 95 người (11,12%), Đại học 420 người (49,18%), Cao đẳng 21 người (2,46%), Trung cấp và công nhân các loại 307 người (35,95%) giỏi chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo trong và ngoài nước.
Xác định nguồn nhân lực và kỹ thuật là yếu tố tiên quyết và quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ, Trung tâm đã kết hợp với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đa dạng, năng lực tài chính vững chắc. Trung tâm đã và đang triển khai nhiều dự án với quy mô lớn trong các lĩnh vực quy hoạch, điều tra, bảo vệ, quan trắc tài nguyên nước; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài nguyên nước, lập bản đồ tài nguyên nước,… đảm bảo tiến độ và chất lượng cao. Cùng với đó, Trung tâm đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy các nghiên cứu và triển khai hiệu quả các dự án về tài nguyên nước. Song song với thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo chức năng Nhà nước giao, Trung tâm đã mở rộng quan hệ hợp tác, triển khai nhiều công trình đề án, dự án, đề tài thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, địa chất công trình, địa chất khoáng sản,… với các đơn vị, tổ chức khác nhau ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương.
Thành công nhờ xây dựng lộ trình phát triển cụ thể
Ngày đầu thành lập, mong muốn của lãnh đạo Bộ muốn có một đơn vị chuyên làm về công tác quy hoạch và điều tra cơ bản về tài nguyên nước để có những bộ bản đồ, tài liệu toàn diện giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước được đẩy mạnh. Xác định nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực này, 10 năm qua, Trung tâm đã triển khai các công trình, dự án theo đúng hướng Bộ giao.
Không chỉ làm tốt công tác quy hoạch và điều tra cơ bản, Trung tâm còn thực hiện thành công nhiều dự án tìm kiếm nguồn nước ở trên núi cao, ngoài đảo xa, giải “cơn khát” nhiều đời cho đồng bào và chiến sỹ cả nước. Những thành quả đó là sự nỗ lực, cố gắng, là biết bao hy sinh thầm lặng của từng cán bộ, viên chức, người lao động. Nhiều dự án đã in đậm dấu chân những cán bộ Trung tâm để khi nhắc đến là người ta không thể quên hình ảnh của những anh cán bộ địa chất thủy văn cần mẫn, nói ít làm nhiều, quyết tâm mang lại nguồn nước ở những nơi tưởng chừng như không có sự sống. Đó là, việc tìm kiếm nguồn nước ở độ sâu 230m cho người dân thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – là một trong 10 sự kiện năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mới đây nhất là việc tìm được nguồn nước vô cùng quý hiếm tại đảo Bạch Long Vỹ, (hòn đảo được mệnh danh là xa nhất vịnh Bắc Bộ, có diện tích 2,5km2), với trữ lượng 100 m3/ngày đáp ứng nhu cầu dùng nước cho khoảng 1000 quân và dân trên đảo…
Không dừng lại ở đó, để bảo vệ tại nguyên nước tại các đô thị, Trung tâm cũng đã triển khai Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”; điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tầng Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ (các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình).
Kể từ khi chính thức thành lập Trung tâm năm 2008, một cơ sở lớn được mở ra, cơ hội nhiều song thách thức cũng không phải nhỏ. Chính vì thế, lãnh đạo Trung tâm đã xây dựng lộ trình phát triển cụ thể. Chia sẻ về những kết đạt được trong 10 năm qua, 10 năm với hai giai đoạn cụ thể, từ năm 2008 – 2013 và từ 2013 – 2018, chúng tôi tự hào mỗi thời kỳ, đều đã cho thấy sự trưởng thành và lớn mạnh của Trung tâm. Nếu như giai đoạn 2008 – 2013 được coi là chặng đường đầu hình thành và hoàn thiện cơ cấu tổ chức thì bước sang giai đoạn 2013 – 2018, Trung tâm đã có sự phát triển vượt bậc. Trung tâm coi thời kỳ này là bước ngoặt để tạo ra đột phá sự phát triển của Trung tâm trong tương lai. Trong thời gian này, Trung tâm tập trung vào hoàn thiện cơ cấu chức năng nhiệm vụ trong đó thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Luật Tài nguyên nước năm 2013 đã ban hành trong đó chú trọng vào việc xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước, quan trắc giám sát bảo vệ và phát triển các nguồn nước. Chính vì vậy, lần đầu tiên Trung tâm thực hiện xây dựng quy hoạch chung của cả nước và đặc biệt xây dựng quy hoạch tài nguyên nước của các lưu vực sông liên tỉnh trong đó điển hình như lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, sông Sê San – Srêpok và đặc biệt là lập nhiệm vụ quy hoạch của sông Hồng, sông Thái Bình, lập nhiệm vụ để tiến tới xây dựng quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những lưu vực sông hết sức quan trọng đối với nguồn nước của Việt Nam.
Ngoài ra, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hướng tổng hợp bao gồm cả điều tra nước mặt và nước dưới đất. Đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm và được triển khai thực hiện tương đối sâu rộng và đồng bộ trong Trung tâm, ngày càng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về mọi mặt, trong đó nổi bật là hoàn thiện bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200000 lãnh thổ Việt Nam. Tài liệu này hết sức quan trọng, phục vụ cho công tác định hướng, công tác quy hoạch cũng như khai thác sử dụng tài nguyên nước lãnh thổ làm tiền đề cho điều tra đánh giá tài nguyên nước tiếp theo.
Điều tra, đánh giá tài nguyên nước tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000 trên một số lưu vực sông lớn, liên tỉnh và các vùng kinh tế trọng điểm. Trung tâm đã hoàn thành đánh giá tổng quan tài nguyên nước dưới đất trên diện tích 15 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, lưu vực các sông biên giới Việt Nam – Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả; lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn; vùng thủ đô Hà Nội, vùng vành đai kinh tế biển ven vịnh Bắc Bộ, lưu vực sông Lô- Gâm, bắc Sông Tiền…
Công tác điều tra, đánh giá phục vụ cung cấp nước cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và một số khu vực phía Bắc. Điều tra, đánh giá nguồn nước tại các vùng đặc biệt thiếu nước sinh hoạt thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, vùng cao nguyên đá thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; 05 đảo và cụm đảo Thanh Lân, Trà Bản, tỉnh Quảng Ninh; đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; đảo Hòn Tre, Hòn Chuối, tỉnh Kiên Giang và 40 vùng sâu thuộc 10 tỉnh Nam Bộ để phục vụ trực tiếp nhu cầu cấp nước của cộng đồng dân cư tại nhiều vùng lãnh thổ, góp phần ổn định chính trị xã hội, giữ vững an ninh và phát triển kinh tế.
Cùng với ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như khắc phục hạn hán và để có kế hoạch ứng phó kịp thời, Trung tâm đã tập trung xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng cũng như áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng thông báo, cảnh báo, dự báo về tài nguyên nước phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công tác bảo vệ và phát triển nguồn nước cũng được Trung tâm đặc biệt quan tâm và triển khai có hiệu quả. Lần đầu tiên Trung tâm thực hiện thành công đề án của Chính phủ giai đoạn 1 về điều tra đánh giá và bảo vệ nguồn nước hết sức quý hiếm ở các đô thị lớn. Kết quả là đã đưa ra được các phương hướng bảo vệ để giữ gìn các nguồn nước lâu dài phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội đặc biệt ở các đô thị.
Đồng thời, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh chương trình điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng núi cao và vùng đặc biệt khan hiếm nước theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng để đảm bảo an sinh xã hội cũng như giảm nghèo bền vững cho các khu vực này. Đặc biệt giai đoạn 2015 – 2016 là thời điểm xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn ở các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng như đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Trung tâm cũng tập trung nguồn nhân lực điều tra đánh giá thành công tìm kiếm và cung cấp nước cho các khu vực đảo quan trọng của lãnh thổ Việt Nam góp phần bảo vệ chủ quyền và phát triển an ninh kinh tế ở các khu vực này.
Trung tâm cũng đã thực hiện nhiều đề tài khoa học công nghệ về nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến về quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Các đề tài đã đi sâu nghiên cứu ứng dụng các phần mềm, các mô hình, giải pháp tiên tiến phục vụ quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước; bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra vào phục vụ quản lý tài nguyên nước.
Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn Nhà nước giao, Trung tâm còn thực hiện nhiều dự án tư vấn quy hoạch, điều tra cho các tỉnh trên cả nước. Cụ thể là, phối hợp với các Sở TNMT xây dựng Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh, thành phố trong cả nước; Xây dựng hành lang bảo vệ tài nguyên nước các tỉnh trên toàn quốc. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, Đánh giá dữ liệu tài nguyên nước, nhằm thu được các bộ dữ liệu tài nguyên nước hiện có; đánh giá, sắp xếp và phân loại và tổng hợp, cập nhật thông tin tài nguyên nước giúp cơ quan quản lý tại địa phương nắm chắc hiện trạng số liệu, thông tin về nguồn nước đã được điều tra, làm cơ sở định hướng quy hoạch, thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên nước của địa phương.
Xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước nhằm tạo lập cơ sở quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt, nước dưới đất thường xuyên, lâu dài giúp cơ quan quản lý tại địa phương có các thông tin ra quyết định về quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, phòng chống các tác động tiêu cực đến nguồn nước từ các hoạt động dân sinh, kinh tế gây ra;
Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất nhằm kiểm soát được hiện trạng khai thác, sử dụng các nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh trên cơ sở thông tin, dữ liệu chính xác; tạo lập công cụ thông tin cho quản lý, cấp phép và lập kế hoạch, quy hoạch về tài nguyên nước dưới đất của tỉnh. Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước dưới đất tại các vùng khô hạn, thiếu nước nhằm làm rõ khả năng đáp ứng của các nguồn nước dưới đất và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất tại các khu vực trọng điểm hạn hán, thiếu nước bằng nguồn nước dưới đất; đưa các công trình khai thác nước dưới đất vào phục vụ nhân dân; Hoàn thiện thông tin, số liệu phục vụ triển khai thực hiện các giải pháp quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh. Đã thực hiện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từ năm 2013. Điều tra, xác định ngưỡng giới hạn khai thác nước dưới đất nhằm xác lập cơ sở khoa học và giải pháp quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất theo khả năng đáp ứng của nguồn nước.
Phấn đấu trở thành đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch và điều tra TNN
10 năm qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã góp phần vào việc phát triển tài nguyên nước lên một tầm cao mới. Song để duy trì những kết quả đó và tiếp tục phát triển vững mạnh trong tương lai, chúng tôi đã tập trung xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác lập quy hoạch tài nguyên nước cho tất cả các lưu vực sông của Việt Nam trong đó tập trung vào hai lưu vực sông Hồng – Thái Bình và lưu vực sông đồng bằng sông Cửu Long. Đây là hai khu vực có tầm quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước phát triển kinh tế xã hội khu vực trọng yếu của Việt Nam. Tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản tài nguyên nước cho tất cả các lưu vực sông của Việt Nam với tỷ lệ 1/100.000 và 1/50.000 thực hiện theo kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ phê duyệt theo để thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường trong đó có mạng quan trắc tài nguyên nước. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất và tài nguyên nước mặt cũng như hỗ trợ các quan trắc giám sát nguồn nước xuyên biên giới.
Trung tâm cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình điều tra tìm kiếm đánh giá nguồn nước để phục vụ công tác cảnh báo dự báo và phòng chống hạn hán xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu của các khu vực trọng yếu Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ. Đấy là định hướng chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Trung tâm.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, Trung tâm sẽ tập trung xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đẩy mạnh cải cách hành chính của Trung tâm cũng như củng cố xây dựng các chức năng nhiệm vụ cũng như bộ máy của các đơn vị thành viên trực thuộc.
Đánh giá về sự phát triển của Trung tâm trong tương lai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tin tưởng với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, trình độ cao và trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẽ ngày càng lớn mạnh và gặt hái được nhiều thành công, trở thành đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch và điều tra tài nguyên nước của cả nước. Lãnh đạo Bộ sẽ tạo mọi điều kiện để Trung tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
(TS. Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc TTQH&ĐTTNNQG)