Xử lý nước thải làng nghề: Lợi ích lớn và lâu dài

Đường cống được xây bằng vốn đối ứng từ địa phương
Xã Nhật Tân (Kim Bảng- Hà Nam) có diện tích đất tự nhiên hơn 468 ha, với tổng số 2.540 hộ gia đình, dân số 10.500 người. Đặc biệt, là vùng đất nông thôn, nhưng địa phương có đến gần 70% tổng số hộ làm nghề phi nông nghiệp. Từ lâu nơi đây được coi là “xã đa nghề”, với những nghề như: Nghề dệt, mọc, làm sơn mài xuất khẩu, mây tre đan, gia công cơ khí… Đối với những hộ sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tuy không chiếm đa số nhưng đã hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn từ 50 đến hơn 100 con lợn thịt và cả nghìn con gia cầm. Do vậy, môi trường tại làng nghề đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là từ nguồn nước thải trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, chỉ tính riêng trong chăn nuôi, mỗi ngày đã có lượng nước thải khoảng 650 m3, hầu hết là từ chăn nuôi lợn. Nước thải từ sinh hoạt và sản xuất đều chưa qua bất kỳ hình thức xử lý nào, được xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Phần lớn các hệ thống cống rãnh, ao hồ đều bị ô nhiễm nặng. Nước thải bốc mùi gây khó chịu, vào những ngày trở trời mùi hôi, thối càng nồng nặc, gây nhức đầu, chóng mặt… Các bệnh ngoài da tăng lên trong cộng đồng dân cư, và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của phụ nữ.

Mặc dù chịu ô nhiễm như vậy, nhưng cả thời gian dài, chính quyền và người dân chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu để khắc phục. Chị Nguyễn Thị Lan, người dân trong xã tâm sự: “Cả chục năm nay người dân chúng tôi chịu khổ cực rất nhiều từ việc môi trường bị ô nhiễm. Vẫn biết là tiếp xúc hàng ngày với môi trường như thế này là hại nhiều đến sức khỏe, nhưng không sản xuất thì cuộc sống càng khó khăn, vất vả hơn”.

Từ đầu năm 2010, xã Nhật Tân đã được tiếp nhận dự án trình diễn xử lý nước thải làng nghề của Hợp phần “Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo” thuộc Chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực môi trường Việt Nam – Đan Mạch. Với sự hỗ trợ từ dự án, địa phương được đầu tư  xây dựng 2 trạm xử lý triệt để nước thải chăn nuôi và sinh hoạt của 5 xóm (từ xóm 9 đến xóm 13). Cùng với công trình xử lý đầu mối, nhân dân xã Nhật Tân đối ứng bằng các hệ thống thoát dẫn nước thải từ các hộ gia đình đến trạm xử lý. Các ao, hồ bị ô nhiễm trên địa bàn được nạo vét sạch. Đối với những hộ có chăn nuôi lớn được đầu tư xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải và nước thải chăn nuôi. Tổng ngồn vốn đầu tư của dự án gần 6 tỷ đồng, gồm 4,8 tỷ đồng tiền hỗ trợ từ dự án, phần còn lại là nguồn vốn đối ứng từ địa phương.

Hiện nay, dự án xử lý nước thải làng nghề ở Nhật Tân đang được hoàn thành và đi vào chạy thử. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa, khi dự án chính thức được bàn giao và đi vào hoạt động, cả nghìn m3 nước thải mỗi ngày từ “làng đa nghề” này sẽ được xử lý và giải quyết dứt điểm. Dự án cũng là mô hình điểm về mô hình xử lý nước thải làng nghề, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác./.


(Theo DWRM)