(TN&MT) Ngày 29/11/2009, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã cùng tham dự buổi Lễ bàn giao Trạm Xử lý nước thải y tế giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Ông Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, có hơn 2.700 giường bệnh, mỗi năm khám và điều trị 100.000 lượt bệnh nhân nội trú và trên 1.000.000 bệnh nhân ngoại trú. Mỗi ngày, Bệnh viện đưa ra môi trường từ 2.000 – 2.500 m3 nước thải y tế cần được xử lý (bằng 1/7 tổng lượng nước thải trên toàn địa bàn TP.HCM).
Trạm xử lý nước thải này nằm trong Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 4.000 m2/ ngày đêm với công nghệ xử lý AAO phân tán của Nhật Bản đã được Hội đồng khoa học liên 3 Bộ: Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng thẩm định. Công nghệ AAO kết hợp nhiều quá trình xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ bằng vi sinh theo các quy trình: Anarobic – Yếm khí; Anoxic – Thiếu khí và Oxic – Hiếu khí. Công nghệ này có ưu điểm: Thiết bị, công nghệ gọn nhẹ; Lắp đặt linh hoạt (có thể tập trung hoặc phân tán, đặt nổi hoặc đặt chìm…); Thời gian thi công nhanh; Quy trình vận hành tự động; Chi phí bảo dưỡng rẻ; Độ bền cao, khoảng 30 năm vận hành ổn định; Đáp ứng được các tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với tiểu chuẩn cho nước thải bệnh viện và tiêu chuẩn cho nước thải công nghiệp. Công nghệ AAO đã được ứng dụng tại nhiều nước và được đánh giá cao về mặt khoa học và thực tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm soát môi trường trong các bệnh viện, vì đây là nơi phát sinh ra nguồn chất thải và nước thải có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời, nguồn nước thải bệnh viện chứa đựng lớn một nguồn vi sinh vật gây bệnh và nhiều chất gây nguy hại đến đất đai, nguồn nước. Vì vậy, vấn đề xử lý nước thải và chất thải y tế là một nhiệm vụ bắt buộc đối với các bệnh viện và các cơ sở y tế.
Bộ trưởng cho biết, công nghệ xử lý nước thải AAO tuy là công nghệ có nhiều ưu việt, song cần phải có sự phối hợp theo dõi, kiểm chứng. Sau quá trình vận hành thử nghiệm, nếu công nghệ này phát huy hiệu quả với chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn Việt Nam và không phát sinh sự cố thì nên ứng dụng rộng rãi trong hệ thống các cơ sở y tế khác trong cả nước.
(Theo Nguyễn Thanh – Monre)