Nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, vùng đồng bằng có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Nơi đây thường tập trung dân cư và phát triển nhiều loại hình kinh tế. Ở nước ta, vùng Đồng bằng sông Hồng đang được xem là vùng quan trọng tiềm ẩn nhiều triển vọng phát triển các ngành kinh tế tiến tới xây dựng nền kinh tế biển vững mạnh. Chính vì các lý do trên mà nhu cầu về nước cho dân sinh và cho phát triển kinh tế rất lớn. Song thực tế lại đang tồn tại trữ lượng nước nhạt vùng Đồng bằng sông Hồng lại đang có nguy cơ giảm sút do sự xâm nhập mặn. Nhiều nước trên thế giới đã phải nghiên cứu công nghệ điều chế nước biển thành nước nhạt để ăn uống mặc dù giá thành quá cao.
Như vậy vấn đề ở đây không phải là vùng Đồng bằng sông Hồng thiếu nước, mà là thiếu quy trình công nghệ tích trữ nước nhạt trong các tầng chứa nước mặn, thiếu giải pháp điều phối nguồn nước giữa các mùa, thiếu giải pháp quy hoạch phát triển nguồn nước, để làm cho nguồn nước vào mùa mưa được lưu giữ lại trong các tầng chứa nước bị nhiễm mặn, cải thiện chất lượng nước đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng vào mùa khô.
Với mục tiêu đưa ra là xác định được điều kiện và cấu trúc các tầng chứa nước mặn để phát triển mô hình lưu trữ nước ngọt và xây dựng quy trình công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn, khi thực hiện đề tài sẽ cần thiết phải đưa ra các mục tiêu sau:
– Nghiên cứu tổng quan các mô hình công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn trên thế giới nhằm lựa chọn mô hình công nghệ thích hợp đối với vùng Đồng bằng sông Hồng;
– Nghiên cứu xác định các khu vực có khả năng lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
– Xây dựng mô hình thí điểm công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn.
– Xây dựng bộ tiêu chí áp dụng quy trình công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn.
– Đề xuất quy trình công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
– Viết báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của đề tài.