Ngày 11 tháng 7 năm 2017, tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) đã diễn ra cuộc gặp mặt trao đổi hợp tác giữa Trung tâm và Ngân hàng thế giới (WB) về việc xây dựng thể chế trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại lưu vực sông Sê San – Srêpôk ở Việt Nam thuộc dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước sông Mê Kông.
Tiếp đoàn đại biểu đến từ Ngân hàng Thế giới, TS.Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm đã chào mừng đoàn đến thăm và làm việc tại Trung tâm. Tại buổi làm việc, TS.Tống Ngọc Thanh đã giới thiệu tổng quan về chức năng, nhiệm vụ và lịch sử phát triển cũng như năng lực hiện có của NAWAPI.
TS.Tống Ngọc Thanh mong muốn sau khi hình thành Ban quản lý dự án, sẽ sớm có quyết định chính xác danh tính các đơn vị tham gia vận hành và quản lý hệ thống quan trắc tài nguyên nước mặt. HIện tại, hệ thống quan trắc tài nguyên nước mặt mới thực hiện khoảng 6 năm trở về đây với các trạm ở miền Trung và Tây Nguyên. Hạng mục quan trắc tài nguyên nước dưới đất đã thực hiện được khoảng 30 năm, hiện có 44 trạm quan trắc với 386 điểm và 696 công trình. Theo quy hoạch đến năm 2030, sẽ có 71 trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất với 778 điểm quan trắc và xây dựng được 1557 công trình quan trắc.
Bên cạnh đó, TS. Tống Ngọc Thanh cũng cho biết, từ năm 2008 đến nay, NAWAPI đã hỗ trợ 46 tỉnh thành trên cả nước lập quy hoạch tài nguyên nước và hiện nay, đơn vị đang thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang – Kì Cùng; Quy hoạch tài nguyên nước sông Srêpôk, Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng – sông Thái Bình và Quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long….
Ngoài ra, NAWAPI cũng có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm lập các mô hình trong công tác quy hoạch tài nguyên nước như mô hình thủy văn, mô hình thủy lực, chất lượng nước, mô hình thủy văn – kinh tế….
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện WB cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Lãnh đạo Trung tâm dành cho đoàn và WB rất ủng hộ NAWAPI tham gia dự án xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Ngoài ra,WB cũng cảm ơn NAWAPI đã cung cấp những thông tin về quy hoạch tài nguyên nước rất đáng giá và ý nghĩa phục vụ cho dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước sông Mê Kông. WB hy vọng trong thời gian tới hai bên tiếp tục có những trao đổi để đi đến thống nhất hợp tác thực hiện hợp phần 1 của dự án.
(Thanh Sơn – TTDLQH&ĐTTNN)