Qua các kết quả nghiên cứu có thể khẳng định: vùng ven sông Hồng từ thị xã Sơn Tây đến thành phố Hưng yên (cả 2 phía) có điều kiện thuận lợi để thiết kế các công trình khai thác nước ven sông Hồng với công suất lớn, vừa đáp ứng yêu cầu cung cấp nước của vùng thủ đô vừa đảm bảo quản lý bổ sung nước dưới đất một cách hữu hiệu chống suy thoái, cạn kiệt nước dưới đất. Các điều kiện thuận lợi chủ yếu là:
– Sẵn có nguồn nước mặt tự nhiên lớn (sông Hồng);
– Có cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn thuận lợi, như tồn tại các cửa sổ địa chất thủy văn, sông Hồng cắt trực tiếp vào tầng chứa nước chính (TCN qp). Tầng chứa nước khai thác là tầng chứa nước qp có chiều dày lớn, hệ số dẫn cao, kiểu quan hệ thủy lực giữa nước sông với nước dưới đất từ rất chặt chẽ đến chặt, thuận lợi cho việc bố trí các công trình khai thác ven sông.
Tuy nhiên, để áp dụng thành công công nghệ này cần khảo sát chi tiết hơn nữa các điều kiện địa chất thủy văn, gradient thủy lực, vận tốc thấm ngang, thành phần hóa học của nước sông Hồng và vai trò của nước dưới đất trong khu vực này… để chọn vị trí thích hợp nhất cho công trình vừa có hiệu suất cao vừa không tốn kém.
Công tác lấy mẫu để phân tích hóa, thủy văn đồng vị và quan trắc động thái nước dưới đất phải được tiến hành thử nghiệm trong thời gian kéo dài cả mùa khô và mùa mưa. Các kết quả này sẽ giúp cho các nhà chuyên môn có đủ thông số về sự biến đổi chất lượng nước, sự thay đổi lượng nước theo mùa và theo thời gian khai thác, trên cơ sở đó lựa chọn thời điểm và công suất khai thác.
Đồng thời cần nghiên cứu tốc độ dòng chảy, vận tốc thấm ngang với mục đích chọn vị trí thích hợp cho công trình không bị lụt vào mùa mưa, đảm bảo thời gian vận chuyển của nước từ sông vào công trình khai thác để loại bỏ được các sinh vật, các thành phần không tốt.
Nghiên cứu gradient thủy lực, mô hình dòng chảy ba chiều với các số liệu cập nhật của sông Hồng trong mùa khô và mùa mưa với mục đích khi thiết kế công trình phù hợp đảm bảo nước sông Hồng được hút vào trong công trình khai thác.
Phân tích thành phần hóa học nước dưới đất và nước sông Hồng cả mùa mưa và mùa khô với mục đích xem sự pha trộn giữa 2 loại nước này cho nước có chất lượng tốt hơn và ổn định không.
Ngoài ra, việc khai thác nước dưới đất vùng ngoài đê còn có tác dụng làm giảm áp lực bùng nền đê, bảo vệ tốt cho hệ thống đê điều. Tuy nhiên, việc này cần được tiếp tục nghiên cứu khẳng định bằng các luận cứ khoa học.
Sông Hồng là sông có nhiều hoạt động xói lở, lũ lụt mạnh mẽ cần lưu ý nghiên cứu phương pháp khai thác trong điều kiện ngập lụt, bảo vệ công trình khai thác ven sông khỏi bị xói lở.
Để hạn chế sự hạ thấp mực nước tại trung tâm nội thành Hà Nội và tận dụng khả năng khai thác nước ven sông Hồng, đề tài đề xuất giải pháp quản lý, cải tạo đới ven sông Hồng khu vực nghiên cứu như sau:
Trước hết công tác quy hoạch xây dựng thành phố phải xem xét đến mọi khía cạnh, trong đó phải xét đến đặc điểm Địa chất thủy văn của vùng. Ở Hà Nội phải dành quỹ đất hai bên bờ sông Hồng từ thị xã Sơn Tây xuống Thường Tín làm dải công viên cây xanh. Việc làm này có ý nghĩa như lá phổi của một thành phố ngày càng phát triển, và trong dải ven sông này dành một chút quỹ đất chỉ để xây dựng các công trình khai thác nước dưới đất ven sông và các bãi bồi giữa sông như đã được thiết kế. Đặc biệt quỹ đất nằm giữa sông Đuống và sông Hồng. Ở đây trữ lượng khai thác nước dưới đất sẽ được đảm bảo cùng một lúc bởi nước của hai sông. Nếu phát triển đô thị ngay sát bờ sông thì sẽ làm cản trở nguồn nước sông Hồng bổ cập cho nước dưới đất. Xét về mặt quản lý và phát triển tài nguyên nước, thì các đô thị ven sông chỉ được xây dựng bên trong dải cây xanh này.