Tham vấn, lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý hoàn thiện đề cương Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình

_MG_4153_resize

Ngày 14/7, tại trụ sở Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý về đề cương Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu có liên quan; đại diện các Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Đan Mạch, CHLB Đức; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ niềm vui mừng và cảm ơn các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã quan tâm, tham dự Hội thảo để cùng bàn về một vấn đề quan trọng của đất nước – đó là khai thác, sử dụng tổng thể và bền vững lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

Bộ trưởng cho biết, đồng bằng sông Hồng có lịch sử phát triển lâu đời gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; là vùng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học công nghệ của cả nước. Để phát triển khu vực này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020. Bên cạnh đó, cũng đã có một số đề xuất phát triển cho khu vực được đặt ra trong bối cảnh có nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, phụ thuộc nguồn nước từ ngoài biên giới, ô nhiễm nguồn nước,… đang đặt ra một bài toán cần giải quyết đối với sử dụng và khai thác tài  nguyên nước, trong đó phải bảo đảm có sự lựa chọn khoa học, chính xác, vì sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Hồng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, thì đây là Hội thảo đầu tiên để tham vấn, lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý để hoàn thiện đề cương triển khai xây dựng Quy hoạch. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý trên tinh thần khách quan, thẳng thắn sẽ đóng góp ý kiến đối với các nội dung chủ yếu cần thực hiện trong Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình, tập trung vào những vấn đề như: tên gọi của Quy hoạch; nội hàm sẽ giải quyết những vấn đề gì; phạm vi của Quy hoạch ở trong lãnh thổ nước ta hay mở rộng trong dự báo và cung cấp thông tin từ các quốc gia ngoài biên giới; trong khai thác, sử dụng hay rộng hơn là bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; hay quy hoạch tài nguyên nước có đủ cơ sở để làm nền tảng cốt lõi trong việc xem xét lại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và đánh giá về sự phù hợp đối với các ý tưởng dự án tại khu vực này; phương pháp, công cụ nghiên cứu; các vấn đề giải quyết; mục tiêu, sản phẩm của Quy hoạch;…

_MG_4207_resize

Báo cáo tổng quan về lập nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trình bày tóm tắt về sự cần thiết phải lập Quy hoạch, trước hết để thực hiện các quy định của Luật tài nguyên nước; đáp ứng trước thực trạng và nhu cầu phát triển trong tương lai; cũng như các vấn đề thách thức cần giải quyết về tài nguyên nước đối với khu vực đồng bằng sông Hồng. Từ đó, xác định bản chất Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình chính là cơ chế xác định ai có thể khai thác, khai thác bao nhiêu, ở đâu, khi nào và khai thác cho mục đích gì? Cơ chế phải làm rõ được trữ lượng,  phân bổ, và thời điểm phân bổ khác nhau trong năm và thích ứng với biến đổi khí hậu; khả năng đáp ứng của nguồn nước phục vụ các nhu cầu khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước theo các đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần phải đánh giá tác động của các công trình để có thể đề xuất đến biến đổi lòng dẫn, chế độ dòng chảy, lượng phù sa, hệ sinh thái thủy sinh và đời sống của cộng đồng dân cư trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình; qua việc xác định hạn mức phân bổ nước giữa các vùng, các đối tượng sử dụng khác nhau.

Dự kiến Quy hoạch nhằm các mục tiêu cơ bản như: (i) Bảo đảm công bằng và hợp lý giữa các vùng, nhóm đối tượng sử dụng nước, giữa các khu vực hành chính, giữa thượng nguồn và hạ nguồn; phát triển bền vững tài nguyên nước, tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong tương lai; (ii) Chủ động về nguồn nước để bảo đảm ưu tiên phát triển chiến lược, ổn định an sinh xã hội dựa trên các kịch bản về nguồn nước, sử dụng nước, phân tích kinh tế, xã hội, môi trường có xét tới tác động của biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế và các thỏa thuận quốc tế; (iii) Bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước; các chức năng quan trọng của nguồn nước gồm: cung cấp, điều hòa, văn hóa, hỗ trợ, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và nhiễm mặn; (iv) Phòng, chống và khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông, sụt lún đất và xâm nhập mặn.

Trên cơ sở đó, Quy hoạch sẽ giải quyết các nhóm vấn đề chủ yếu như tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng nước phía thượng nguồn đến tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình; tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng nước đến tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình; tác động của các hoạt động khai thác khoáng sản và xả nước thải vào nguồn nước; tác động của việc phân lưu, chuyển nước giữa các nguồn nước đến số lượng, chất lượng nguồn nước; các phương án chủ động, đảm bảo an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Tô Văn Trường cho rằng phương pháp luận và cách tiếp cận xây dựng Quy hoạch có vai trò rất quan trọng; cần đặt trong bối cảnh dự thảo Luật Quy hoạch đang được khẩn trương hoàn thiện và trình ban hành; nội dung Quy hoạch phải cân nhắc đến các kịch bản biến đổi khí hậu đã được xây dựng; quy hoạch đến giai đoạn nào,…

_MG_4242_resize

Chuyên gia tài nguyên nước Nguyễn Thị Phương Lâm nhấn mạnh tới các quan điểm khi xây dựng Quy hoạch như áp dụng cho toàn dòng từ thượng lưu tới hạ lưu; giữa bảo vệ và khôi phục tài nguyên nước; trong bối cảnh kinh tế vận tải thủy; cơ chế chia sẻ tài nguyên nước; và phát triển tài nguyên nước vừa là đối tượng, vừa là nội dung, vừa là công cụ quản lý tài nguyên nước,…

_MG_4246_resize

GS. TS Vũ Trọng Hồng đánh giá cao cách thức triển khai thực hiện xây dựng Đề cương Quy hoạch. Để tháo gỡ khó khăn trong việc thu thập số liệu từ thượng nguồn, đặc biệt ở phần ngoài biên giới, GS đề nghị có thể sử dụng phương pháp hồi quy để đánh giá thượng nguồn; đồng thời nên có cơ chế để huy động được các chuyên gia từ các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu tâm huyết tham gia xây dựng Quy hoạch,…

Hội thảo thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học, quản lý cung chia sẻ, đề xuất nhiều ý kiến quan trọng để giải quyết nhiều nội dung cơ bản trong Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng – Thái Bình. Các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn đã đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng Quy hoạch: từ phương pháp luận, cách tiếp cận; tên gọi; quan điểm đối với Quy hoạch; phạm vi, đối tượng, mục tiêu, nội dung, sản phẩm, cách thức thực hiện và phối hợp trong xây dựng Quy hoạch,…

_MG_4219_resize

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao tất cả các ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý từ những phương diện, góc độ khác nhau đối với vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển lưu vực sông Hồng – Thái Bình.

Thông qua một số ý kiến đã thống nhất tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định rằng, Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng – Thái Bình là một Quy hoạch tổng thể, dài hạn; là nền tảng cơ bản giải quyết mối quan hệ giữa các quy hoạch khác nhau trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đúng theo quy luật phát triển kinh tế – xã hội là phải dựa vào khả năng cung cấp, phục hồi của tự nhiên. Quy hoạch cũng cần được xây dựng trên cơ sở kế thừa các đề án, quy hoạch khác để đảm bảo sự hài hòa, phù hợp; cần tính toán và chủ động dự báo được nguồn nước từ phía thượng nguồn; cần có biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước ngoài việc đánh giá được trữ lượng, hiện trạng khai thác, sử dụng,…

Qua Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước từ nhiều lĩnh vực để giúp Bộ TN&MT xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước sông Hồng – Thái Bình mang tính tổng thể, làm tiền đề xây dựng các quy hoạch khác, phục vụ đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước.

(Theo monre.gov.vn)