5km phải có một trạm quan trắc chất lượng nước

Đó là đề xuất của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường khi thiết kế mạng lưới quan trắc, giám sát chất lượng nước trên các ngã ba sông lưu vực sông Nhuệ – Đáy. Bởi theo tính toán của các nhà khoa học, khoảng cách để nước thải hòa trộn hoàn toàn vào nước sông là 5km tính từ vị trí xả thải. Bởi vậy trong khoảng 5km cần có trạm quan trắc để giám sát chất lượng nước một cách hiệu quả.  

Toàn lưu vực sông Nhuệ – Đáy hiện có 59 con sông suối lớn đang tham gia góp nguồn nước vào hệ thống và có khoảng 70 nguồn xả thải các loại vào lưu vực. Sông Đáy chảy qua nhiều thành phố, thị xã, nhiều khu công nghiệp, làng nghề nên chịu sức ép rất lớn về nước thải ô nhiễm. Nguồn nước càng bị tổn thương do các con sông nhỏ khá ô nhiễm từ Hà Nội chảy vào góp dòng, như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Kim Ngưu, sông Sét. Theo khảo sát, hầu hết các sông suối nhánh đều chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Phía hữu ngạn của hệ thống sông là khu vực có mật độ dân số và mức độ phát triển kinh tế xã hội thấp hơn tả ngàn.

Hiện trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy đã có các điểm quan trắc thông số chất lượng nước, tuy nhiên chưa thành một mạng lưới thống nhất, tập hợp tác thông số, quan trắc thường xuyên, định kỳ và tuân thủ vùng một quy trình quy phạm, xử lý số liệu. Các điểm quan trắc chất lượng nước hiện có còn nặng tính khảo sát chuyên đề, chưa thống nhất nên chuỗi số liệu quan trắc chưa ổn định.

Khu vực các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình vẫn có các đợt quan trắc định kỳ theo quý theo dõi diễn biến chất lượng nước trên sông song chưa thành hệ thống trên toàn lưu vực, chưa thống nhất về thời gian, quy trình quy phạm.

Theo các nhà khoa học, việc đặt trạm quan trắc giám sát chất lượng nước không phải đều đặt theo khoảng cách mà quan trọng là phải đảm bảo quan trắc đầy đủ chất lượng nước trên lưu vực. Vì thế, mật độ trạm quan trắc phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội vùng ven sông, đặc trưng thủy văn, thủy lực của từng đoạn sông, cũng như bao quát các tỉnh, thành nơi dòng sông chảy qua.

Việc thiết kế hệ thống mạng quan trắc còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng nước trên khu vực. Đặc biệt vùng hạ du của hệ thống thuộc khu vực tỉnh Hà Nam, nước sông được sử dụng cho cấp nước sinh hoạt với yêu cầu chất lượng cao, vì thế trạm quan trắc cần ken dày hơn để đảm bảo giám sát, kip thời có biện pháp kiểm soát chất lượng nước.

 

(Theo Monre.gov.vn)