Hai huyện ven biển là An Biên, An Minh tỉnh Kiên Giang và một phần của huyện U Minh Thượng, hiện có đến gần 20.000ha lúa trung mùa gieo cấy luân canh trên phần đất một vụ tôm một vụ lúa đang bị chết hàng loạt do không đủ nước ngọt cho gieo cấy, cộng với nạn xâm nhập mặn từ biển vào cũng đang chiều hướng mạnh hơn.
Tỉnh Kiên Giang đã đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời kinh phí để bà con nông dân mua thóc giống gieo sạ lại vụ đông xuân, nhưng khó khăn mà bà con đã gặp phải là giá thóc giống thời điểm này tăng cao, thường gấp từ 2-3 lần so với trước đó, một vài loại giống nguyên chủng, giống lúa thơm, lúa chất lượng cao có thời điểm tăng lên đến từ 14.000-16.000 đồng/kg.
Tuy đây là năm đầu tiên nông dân vùng U Minh Thượng gặp phải tình trạng trên, nên có khá nhiều người dân quan tâm. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu hiện tượng lượng mưa vừa qua quá ít có liên quan gì đến biến đổi khí hậu hay không.
Nếu sắp tới hiện tượng thời tiết trên tiếp tục lặp lại thì mô hình sản xuất luân canh một vụ tôm, một vụ lúa lâu nay trong vùng xem như không còn tính bền vững, ngoài thiệt hại cho người dân, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Đó là chưa nói đến để có được một vùng đất luân canh một vụ tôm, một vụ lúa ổn định, nhiều năm qua phía nhà nước và nhân dân đã đầu tư vào đây hàng trăm tỷ đồng để cải tạo đồng ruộng, đắp đê ngăn mặn giữ ngọt, đắp bờ vùng bờ mẫu, xây dựng cống đập điều tiết nước hợp lý… Nên sẽ là lãng phí rất lớn, nếu như mô hình sản xuất luân canh nói trên một ngày nào đó không còn phát huy tác dụng./.