TP.HCM: Có nước máy vẫn xài nước ngầm

Mỗi năm, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tốn hàng tỷ đồng để phát triển mạng lưới cấp nước trên địa bàn TP HCM. Song, thói quen khai thác và sử dụng nước ngầm của người dân không giảm mà có chiều hướng tăng lên.

Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM đã đưa ra các cảnh báo về sự suy giảm chất lượng nước ngầm, trong đó ở khu vực quận Gò Vấp là đặc biệt nghiêm trọng bởi hàm lượng nitơ (NO3 ) vượt quá tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống…

90% hộ dân sử dụng giếng khoan

Tại khu vực quận 12 và Gò Vấp, trên 90% hộ dân sử dụng giếng khoan tại nhà, nhiều gia đình gắn đồng hồ nước nhưng chưa lắp hệ thống ống nước trong nhà hoặc đấu nối sử dụng chung hai nguồn nước. Bà Võ Thị Hồng Hà, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Trung An (trực thuộc Sawaco), lo ngại: “Trên địa bàn công ty quản lý, rất nhiều hộ dân sống xen kẽ với những khu nghĩa địa dòng tộc tự phát, nhiều kênh rạch bị ô nhiễm do chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà bà con sử dụng hàng ngày”. Theo bà Hà, tâm lý trả tiền điện để bơm nước rẻ hơn xài nước máy đang phổ biến; mỗi tháng có từ 10 đến 20 hộ dân xin huỷ đồng hồ nước đã lắp…

Ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc Công ty CP cấp nước Chợ Lớn, cho biết: “Theo Nghị định mới 171 của Chính phủ, việc gắn đồng hồ nước cho dân hoàn toàn miễn phí nhưng gắn xong, bà con lại không sử dụng. Lãng phí tài sản của doanh nghiệp đã đành nhưng quan trọng hơn là sức khỏe của người dân vì đâu phải chất lượng nước ngầm chỗ nào cũng đảm bảo, chưa kể nó ảnh hưởng đến môi trường nếu cứ khai thác quá mức”.

Bệnh viện cũng xài nước ngầm

Theo Công ty Trung An, hiện có những cơ quan, đơn vị dù được lắp đặt đồng hồ nước, vẫn khai thác nước ngầm với công suất lớn để sử dụng như bệnh viện 175, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh, ĐH Công nghiệp, Công ty phần mềm Quang Trung… “Chúng tôi lắp đặt đường ống 100 mm, số lượng nước có thể cung cấp là vài chục nghìn m3 mỗi tháng nhưng bệnh viện 175 chỉ tiêu thụ 200 – 400 m3. Bệnh viện Đa khoa Vũ Anh cũng chỉ tiêu thụ dưới 100 m3 một tháng trong khi công suất tối thiểu công ty lắp đặt là 6.000 m3”, bà Hà cho biết.

 

tt20

Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh chỉ tiêu thụ mỗi tháng chưa đến 100 m3 nước máy.

 

Tương tự, theo ông Phạm Mạnh Đức, các khu công nghiệp như Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Pouchen… cũng sử dụng hai nguồn nước trong khi áp lực nước nơi đây đều đảm bảo.

Vận động vẫn là chính

Thời gian qua, các công ty thành viên của Sawaco đã chủ động phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị khách hàng tuyên truyền vận động người dân từng bước bỏ thói quen sử dụng nước giếng, đồng thời đổi mới thủ tục cấp và lắp đặt đồng hồ nước sao cho nhanh gọn. “Tuy nhiên, sự chuyển biến của người dân trong địa bàn chưa có chiều hướng cải thiện. Lượng nước sạch tiêu thụ bình quân mới chỉ đạt xấp xỉ 50 lít mỗi người một ngày, thấp xa so với chỉ tiêu của thành phố từ 120 đến 180 lít”, báo cáo của Công ty cấp nước Trung An nêu rõ.

Trong khi đó, “vũ khí” giúp bảo vệ và quản lý tài nguyên nước của thành phố là Quyết định số 69 ban hành ngày 3.5.2007 của UBND TP HCM kèm Quy định về hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP HCM vẫn chưa phát huy hiệu quả. “Hiện nay chưa có biện pháp chế tài kèm theo nhằm thực thi nghiêm Quyết định này. Điều này cũng gây không ít khó khăn trong việc vận động thay đổi thói quen sử dụng nước của người dân”, bà Hà nhấn mạnh.

 

Theo Sawaco, hiện nay, trên địa bàn TP HCM có 140.000 hộ dân sử dụng song song nước ngầm và nước máy. Cụ thể, có 53.607 hộ hoàn toàn không sử dụng nước máy (chỉ số đồng hồ nước bằng 0), 19.275 hộ chỉ xài 1m3 một tháng, tập trung nhiều nhất ở khu vực quận 6, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Gò Vấp.

 

 

(Theo BaodatViet.vn)