Ký ức hào hùng về những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội

(ĐCSVN) – Cách đây 60 năm, sáng sớm ngày 10/10/1954, từ năm cửa ô, bộ đội Việt Nam đã “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” để giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội. 60 năm đã qua đi, nhưng ký ức hào hùng của những ngày tháng 10 năm 1954 vẫn còn vang vọng mãi.

tiep_quan_thu_do_34234324230

Cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô Hà Nội

Để có được ngày chiến thắng, thì từ trước đó, quân và dân thủ đô Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động phối hợp trong chiến địch Đông – Xuân (1953 – 1954) và chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiêu biểu của các hoạt động này là: Trận tập kích sân bay Gia Lâm vào đêm mùng 3 rạng sáng ngày 4/3/1954 của lực lượng vũ trang Thủ đô với sự giúp đỡ của nhân dân xã Long Biên, Bồ Đề, bằng lối đánh táo bạo, bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm, ta đã phá hủy 18 máy bay, đốt kho xăng, tiêu diệt 16 tên địch, gây khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; hay Phong trào ký kiến nghị đòi hòa bình ở Hà Nội của trí thức, thân sỹ, công nhân, tiểu thương, phụ nữ,… phát triển trong quần chúng thành phong trào chính trị sâu rộng; Phong trào chống bắt lính, đẩy mạnh địch – ngụy vận được dấy lên mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên, công chức, thanh niên, phụ nữ với khẩu hiệu “Đi lính là chết vô ích”, “Quyết giữ con em không đi lính cho giặc”… Các phong trào này đã diễn ra với nhiều hình thức phong phú: Không khai báo, không trình diện, lẩn trốn tại chỗ, trốn về quê, trốn ra vùng tự do, đấu tranh ở các trại tập trung Ngọc Hà, Sinh Từ, Lò Đúc, lấy chữ ký vào kiến nghị phản đối luật tổng động viên, bãi khóa chống quân sự hóa học đường… Công tác địch – ngụy vận được đẩy mạnh với lính Âu – Phi, ngụy binh, cảnh binh. Cán bộ của Ban địch vận và quần chúng ở các đoàn thể cũng tham gia địch – ngụy vận với khẩu hiệu “Lập công trở về với Tổ quốc”. Từ tháng 3/1954, đã có hơn 19.000 tên địch đào ngũ, không kể hàng nghìn tên trong tổ chức Bảo chính đoàn và địa phương quân tan rã tại chỗ hoặc trở về với nhân dân.

Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tấn công, siết chặt vòng vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Pháp, Anh, Hoa Kỳ phải đồng ý gặp Liên Xô, Trung Quốc và các nước liên quan ở hội nghị Giơ-ne-vơ vào ngày 20/4/1954 để bàn về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 7/5/1954, nhân dân vô cùng vui mừng khi được tin quân ta đại thắng ở Điện Biên Phủ. Giặc Pháp và bù nhìn thì hoang mang, dao động cực độ.

Một phong trào ký kiến nghị đòi Chính phủ Pháp phải đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh để lập lại hoà bình ở Đông Dương lan rộng, mở đầu bằng bản kiến nghị ngày 21/4/1954 của hơn 100 trí thức và thân sĩ Hà Nội.

Những tin thắng lợi của ta về quân sự, ngoại giao đã làm cho quần chúng lao động Hà Nội càng phấn khởi đấu tranh chống địch. Hầu hết các cuộc đấu tranh đều dùng những hình thức hợp pháp như: cử đại biểu, yêu cầu đưa đơn. Địch càng lúng túng, phong trào đấu tranh của ta càng cao và càng thu nhiều thắng lợi. Nổi bật nhất là phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội chống địch bắt lính và công tác vận động ngụy binh; đã có từng đơn vị trung đội, đại đội đào ngũ; có những tốp ngụy binh lái cả xe vận tải chở vũ khí ra vùng tự do.

Theo những điều khoản trong Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hà Nội còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp 80 ngày. Chúng âm mưu phá hoại về mọi mặt trước khi chuyển giao cho ta hòng làm giảm uy tín của Chính phủ kháng chiến đối với nhân dân trong nước và trên trường quốc tế.

Để chuẩn bị cho giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo đẩy mạnh trọng tâm cuộc đấu tranh của quân và dân Hà Nội từ 20/7 đến 10/10/1954.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đảng ủy tiếp quản, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại tháo dỡ máy móc, nguyên vật liệu, mang đi hồ sơ quan trọng; đồng thời, chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam. Cuộc đấu tranh đã diễn ra quyết liệt ở các xí nghiệp lớn như: điện Yên Phụ, đèn Bờ Hồ, Bưu điện, ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), ga Gia Lâm, sở Lục lộ, công ty vệ sinh,… để giữ cho việc cung cấp điện, nước, đảm bảo giao thông liên lạc và vệ sinh của thành phố, đảm bảo đời sống bình thường của nhân dân khi ta vào tiếp quản. Cuộc đấu tranh của Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh ngoại giao của phái đoàn ta trên bàn hội nghị ngoại giao ở Phủ Lỗ, buộc địch phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Sau hơn 2 tháng đấu tranh với địch, ta đã giữ được gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu ở nhà máy, xí nghiệp, công sở, bệnh viện quan trọng. Đồng bào các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên bị địch dồn về Hà Nội để di cư, được cán bộ giải thích, tuyên truyền, đã tự nguyện trở về quê nhà sinh sống. Đại bộ phận nhân dân Hà Nội không mắc mưu địch, ở lại chờ đón ngày giải phóng.

Giai-phong-400fsdgdsgd

Tiếp quản Thủ đô Hà Nội

Thủ đô Hà Nội được giải phóng là một sự kiện lịch sử trọng đại, là ngày hội lớn của nhân dân cả nước; là thắng lợi vẻ vang của chín năm trường kỳ chiến đấu gian khổ và anh dũng của nhân dân ta. Sau nhiều ngày đấu tranh trên bàn đàm phán, Hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954.

Từ ngày 2/10, Chính phủ ta đã phái các đơn vị trật tự, hành chính vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Nhân dân Hà Nội vui mừng, ủng hộ giúp đỡ các đơn vị này, ngăn chặn địch cướp phá máy móc, tài sản.

Những năm tháng chiến tranh đã gây nhiều đau thương cho Hà Nội, nên việc thu nhận thành phố gặp không ít khó khăn. Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản, Hội đồng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với đô thị mới giải phóng, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào thành phố.

Theo các Hiệp định đã ký kết tại Hội nghị Phù Lỗ từ ngày mùng 2 đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền.

Ở ngoại thành, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển từ ngày 6/10/1954.

Đến ngày 8/10/1954, ta hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp và chuẩn bị nhận bàn giao các vị trí quân sự. Chiều 8/10, thực dân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội.

Sáng ngày 9/10/1954, bộ đội từ Đê La Thành chia làm hai mũi tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội,… Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy, tiếp thu theo lối “cuốn chiếu”.

Cũng trong buổi sáng ngày 9/10/1954, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi và đến trưa tiếp quản Đại lý Hoàn Long.

16 giờ, ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút sang phía đông cầu Long Biên. Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 9/10, đêm hòa bình đầu tiên thành phố rực rỡ trong rừng cờ và niềm vui khôn xiết.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ – Chỉ huy trưởng của Mặt trận Hà Nội 60 ngày khói lửa – tiến vào giải phóng Thủ đô. 20 vạn nhân dân Hà Nội hân hoan, tự hào đón chào đoàn quân chiến thắng. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô giương cao lá cờ “Quyết chiến – quyết thắng”. 15 giờ chiều 10/10/1954, quân dân Thủ đô dự Lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ.

Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban Quân chính, đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng, sau khi biểu dương quân dân Thủ đô và quân dân cả nước “Đoàn kết nhất trí, chiến đấu anh dũng” chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ 4 nhiệm vụ mới của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, đó là:

“- Ra sức giữ gìn trật tự an ninh.

– Duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta.

– Duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa.

– Đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do, dân chủ”.

Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung, làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

*

*        *

60 năm đã qua đi, nhưng ký ức hào hùng của những ngày đấu tranh giải phóng và tiếp quản Thủ đô Hà Nội vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của những người dân Thủ đô. Chắc chắn hình ảnh 5 đoàn quân với cờ đỏ, sao vàng hùng dũng tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô với tư thế của những người chiến thắng sẽ không bào giờ phai mờ trong thế hệ những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng khi xưa. Những thế hệ công dân Thủ đô sinh sau ngày 10/10/1954, dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó, nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Thủ đô Hà Nội – Thủ đô anh hùng – Thủ đô hòa bình./.

———————————————

* Theo cuốn “Thủ đô Hà Nội 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển” do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội chủ trì biên soạn tháng 9 năm 2014.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam / www.cpv.org.vn)