Sáng ngày 16 tháng 12 năm 2013, tại TP. Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) phối hợp với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (HUNRE) và các tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế “Hợp tác về nước vì đô thị bền vững tại Việt Nam (VACI 2013)”.
Hội thảo nhằm kết nối các chuyên gia nghiên cứu trong những lĩnh vực liên quan đến tài nguyên nước như học thuật, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý; các chuyên gia tham gia phát triển các giải pháp sáng tạo, công nghệ cho đô thị xanh, bền vững trên thế giới và Việt Nam. TS. Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam, đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế; đến từ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường có TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc; TS. Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc và đại diện các Ban, đơn vị trực thuộc, Dự án IGPVN; đến từ Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường có PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Hiệu trưởng; PGS.TS. Phạm Quý Nhân, Phó Hiệu trưởng; PGS. TS. Hoàng Ngọc Quang, Nguyên Hiệu trưởng và đại diện các Phòng, Khoa; đến từ Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường có TS. Trần Hồng Thái, Phó Viện trưởng; các đại diện đến từ Bộ Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Dương; đại diện Hội Địa chất thủy văn Việt Nam; đại diện các cơ quan ban ngành liên quan (Các trường Đại học Mỏ – Địa chất, Xây dựng, Thủy lợi, Kiến trúc Hà Nội, Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN; Học viện Khoa học xã hội Việt Nam); đại diện các tổ chức phi Chính phủ, các công ty, xí nghiệp liên quan và các tổ chức xã hội khác.
Về phía quốc tế, đến từ CHLB. Đức có đại diện Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR); đến từ Australia có PGS. Okke Batelaan, Trường Đại học Flinder; đến từ Hà Lan có bà Martine Rutten, Trường Đại học Công nghệ Delf; đến từ Singapore có TS. Joost Buuman, Trường Đại học quốc gia Singapore; đến từ Nhật Bản có GS.TS. Akira Kawamura, GS. Akira Koizumi, PGS.TS. Naoko Nakagawa, PGS. Takaharu Kunizane, PGS. Yasuhiro Arai, Trường Đại học thành phố Tokyo; đến từ Hoa Kỳ có ông Paul M.Craig, Giám đốc điều hành; TS. Nghiêm Tiến Lam, Giám đốc Kỹ thuật; ông Kester Scandrett, đại diện bên Việt Nam; KS. Nguyễn Đức Minh, Công ty DSI; đại diện Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; đại diện các công ty quốc tế có liên quan, các diễn giả đến từ nhiều quốc gia; các nhà khoa học trong nước, quốc tế và các phóng viên, nhà báo đến từ Kênh Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Báo Việt Nam News – Thông tấn xã Việt Nam; Kênh truyền hình VTC14, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; Báo điện tử – Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; Báo Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tham dự.
VACI (Vietnam wAter Cooperation Initiative for Livable Cities – Sáng kiến hợp tác về nước vì đô thị bền vững tại Việt Nam) là một sự kiện quan trọng nhằm nhấn mạnh các vấn đề, trao đổi kiến thức, công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến tài nguyên nước đô thị. VACI được tổ chức hàng năm. Hội thảo đầu tiên (VACI 2012) đã được Trường Đại học quốc gia Singapore (NUS) và Viện Deltares (Hà Lan) tổ chức tại Singapore vào tháng 8 năm 2012. Tiếp nối thành công của VACI 2012, VACI 2013 hướng tới mục tiêu đem đến cho các nhà khoa học ở nhiều quốc gia khác nhau cơ hội nghiên cứu công nghệ, gặp gỡ, trao đổi quan điểm về việc xây dựng bền vững tại Việt Nam và quốc tế.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cho biết, năm 2013, thế giới kỷ niệm Ngày nước với chủ đề “Hợp tác vì nước” nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước, cũng như đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành, các nhóm sử dụng nước trong nước hay giữa các quốc gia có chung nguồn nước. Thông điệp “hợp tác” này đặc biệt có giá trị đối với các khu vực đô thị, nơi mà nguồn nước đang suy thoái, ô nhiễm hết sức nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu. Một đô thị muốn phát triển bền vững phải đảm bảo sự hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Nước là tư liệu quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động sản xuất, không có nước thì không thể phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ 2 sau tài nguyên con người. Điều này đã được khẳng định trong rất nhiều diễn đàn quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu đã và đang làm suy thoái nguồn nước và việc sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn nước một cách bền vững hiện nay vẫn chưa được coi trọng thỏa đáng. Chủ đề ngày nước thế giới năm 2011 “Nước cho các thành phố” đã phản ánh sự quan tâm đặc biệt của quốc tế về các vấn đề liên quan đến nước đô thị và khuyến khích các hành động cần thiết trong việc giải quyết những thách thức này. Ở Việt Nam, số lượng đô thị ở nước ta tăng nhanh trong những năm gần đây kéo theo sự gia tăng dân số đô thị và gia tăng nhu cầu sử dụng nước ở các đô thị. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng đô thị chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cấp nước sạch, thoát nước mưa và thoát nước thải cũng như các thiết bị cũ kỹ đã khiến nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, lượng nước bị thất thoát, rò rỉ chiếm tỷ lệ khá cao. Đứng trước thực trạng đó, rất cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành sử dụng nước, cả trong nước và quốc tế, để sao cho việc quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước được lồng ghép trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch đô thị tại các thành phố trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất trên thế giới. Thông điệp của Ngày nước thế giới năm 2013 là “nếu chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng có cơ hội sử dụng nước”. Có thể hiểu “chia sẻ” ở đây bao gồm chia sẻ nguồn nước, chia sẻ thông tin và kiến thức về tài nguyên nước, chia sẻ công nghệ và các bài học kinh nghiệm về việc xử lý các vấn đề liên quan đến nước, chia sẻ các dự án, kế hoạch, quy hoạch của ngành nước với các ngành khác. TS. Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác giữa cấp Trung ương và địa phương, giữa giáo dục, khoa học công nghệ và thực tiễn, giữa các ngành sử dụng nước, giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Sáng kiến hợp tác về nước VACI sẽ góp phần quan trọng nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vị thế khoa học công nghệ ngành nước của Việt Nam. Đồng thời, VACI 2013 sẽ cung cấp thông tin, bài học kinh nghiệm và giải pháp liên quan đến tài nguyên nước các quốc gia khác nhau, từ đó góp phần phát triển bền vững tài nguyên nước đô thị ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã lựa chọn trình bày 15/30 bài báo cáo khoa học và tham luận, tập trung đề cập đến các nội dung: quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước đô thị; công nghệ hỗ trợ ra quyết định; cơ chế, chính sách, quản trị tài nguyên nước đô thị; quản lý nước mưa đô thị; đánh giá rủi ro sức khỏe do lũ lụt, dự báo và cảnh báo sớm; phát triển công nghệ đô thị xanh; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giá trị văn hóa và cộng đồng đối với phát triển bền vững đô thị. Trong đó, có một số bài tham luận được các nhà khoa học đánh giá cao như: “Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ngầm ở các thành phố ven biển của Việt Nam” do TS. Vũ Thanh Tâm (NAWAPI) trình bày; “Cơ sở hạ tầng xanh cho đô thị bền vững” do TS. Joost Buuman (Trường Đại học quốc gia Singapore, Singapore) trình bày; “Bảo vệ nước dưới đất đô thị ở Việt Nam” do ThS. Triệu Đức Huy (NAWAPI) trình bày; “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam (IGPVN) do ông Christian Glaser (BGR, CHLB. Đức) trình bày; “Ô nhiễm Arsen trong nguồn nước cấp sinh hoạt thành phố Hà Nội” do ông Paul M.Craig (Công ty DSI, Hoa Kỳ) trình bày; “Đánh giá định lượng rủi ro các bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn E.coli trong mùa lũ lụt tại các thành phố của các nước đang phát triển” do TS. Trần Thị Việt Nga (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Việt Nam) trình bày; “Nước cho đô thị và giáo dục ở Hà Lan” do diễn giả Martine Rutten (Trường Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan) trình bày; “Kinh nghiệm quản lý rủi ro lũ lụt ở Metro Manila, Philippines: Giải pháp kỹ thuật” do TS. Romeo Gilbuena (Trường Đại học Philippines, Philippines) trình bày; “Hợp tác công – tư trong ngành nước – Bài học từ Manila Water” do diễn giả Mark Tom Mulingbayan và Rainier Requinala (Công ty nước Manila, Philippines) trình bày; “Tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối nước sử dụng mô hình thiết lập tuyến tính” do PGS.TS. Yasuhiro Arai, GS. Akira Koizumi, TS. Takaharu Kunizane (Trường Đại học thành phố Tokyo, Nhật Bản) trình bày; “Liên kết nước – năng lượng – an ninh lương thực. Gợi ý về tiếp cận mới hướng tới phát triển bền vững cho Việt Nam” do ông Nguyễn Đức Vinh (Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam) trình bày; “Diễn đàn đô thị Việt Nam: Tăng cường quản lý phát triển đô thị thông qua đối thoại chính sách và nâng cao năng lực – giới thiệu cộng đồng hành động ứng phó biến đổi khí hậu tại đô thị” do Chuyên gia hợp tác CIM/GIZ Walter Koditek (Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Việt Nam) viết; “Mạng lưới giáo dục tài nguyên nước Việt Nam” do bà Trần Minh Phượng (WENVN) trình bày. Hội thảo cùng trao đổi, đóng góp ý kiến và cùng xây dựng định hướng để sáng kiến hợp tác VACI có thể duy trì và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn nữa.
(Hồng Nhung – NAWAPI)