Trong 2 ngày 4 – 5/11, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) tổ chức hội thảo đánh giá về nông nghiệp và bảo vệ môi trường sông khi xây dựng và quản lý các công trình khai thác thủy điện, quản lý lũ, giao thông thủy. Hội thảo nằm trong chương trình triển khai Dự án “Hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở Việt Nam, áp dụng thí điểm tại lưu vực sông Đồng Nai”.
Tại hội thảo, các chuyên gia Pháp đã giới thiệu các đặc trưng sử dụng nước trong nông nghiệp và một số biện pháp quản lý nước sử dụng trong nông nghiệp tại Pháp và châu Âu; các đặc trưng sử dụng nước trong công tác quản lý sông và một số biện pháp quản lý dòng chảy sông ở Pháp và châu Âu; các thông số ô nhiễm và ảnh hưởng của nó đối với một dòng sông…
Ông Claude Dalllet (Cơ quan quản lý nước của Pháp) cho biết, trên thế giới ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 40% lượng nước phục vụ cho nhu cầu tưới trong khi đó ở Việt Nam nhu cầu sử dụng nước trong nông nghiệp lên tới 85%. 70% dân số sống tại khu vực nông thôn phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào nông nghiệp. Hoạt động sản xuất nông nghiệp có tác động lớn đến chất lượng và số lượng nước. Chẳng hạn như, chất thải từ sản xuất nông nghiệp xâm nhập vào nguồn nước; việc cầy cấy làm xói mòn nước mặt, làm mất chất màu mỡ trong đất…
Toàn cảnh Hội thảo (ảnh:Thanh Tâm)
Theo ông Claude Dalllet, tùy theo tác nhân tác động vào nguồn nước mà có giải pháp đối phó khác nhau để giải quyết vấn đề ô nhiễm hoặc nhằm đổi mới phương thức canh tác nông nghiệp. Đó là các biện pháp giám sát quản lý đảm bảo quy định đề ra được giám sát chặt chẽ, cải tiến công nghệ hoặc biện pháp mang tính chất tài chính (nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền hoặc người sử dụng nước phải trả tiền).
Theo ông Lucien Maman, chuyên gia Pháp, lưu vực sông Đồng Nai hiện đang đối diện với thách thức lớn đặc biệt tại vùng hạ lưu (TP.HCM). Tại khu vực này, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 45 nhà máy thủy điện. Việc phát triển thủy điện ồ ạt, kéo theo một loạt các hệ lụy và là nguyên nhân gây cạn kiệt tài nguyên nước. Các rủi ro từ việc phát triển thủy điện sẽ dẫn đến lũ lụt, sự xâm nhập mặn… Tuy nhiên, ở nước ta nguồn điện năng được sản xuất vẫn chủ yếu từ thủy điện nên việc xây dựng các nhà máy thủy điện là tất yếu.
Khác với Việt Nam, nguồn điện năng được sản xuất từ Pháp có 3 nguồn chính: ¾ sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân, 11% từ thủy điện và 10 từ các nhà máy nhiệt điện. Chính điều đó hạn chế được việc xây dựng các nhà máy thủy điện.
Mặc dù vậy, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông ở Pháp cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng tác động đến tài nguyên nước. Trong bối cảnh đó, chính Phủ Pháp cùng chính quyền cơ quan quản lý nước địa phương tiến hành xây dựng đề án quy hoạch tại khu vực này. Trong đó nhấn mạnh, chương trình cải tiến chất lượng nước và đa dạng sinh học chống lại ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, cải tạo toàn bộ đoạn sông, cải thiện điều kiện sinh hoạt của loài cá di cư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ sinh thái… Để quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông hiệu quả, Chính phủ Pháp cũng thiết lập một loạt các biện pháp tài chính.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, kinh nghiệm quản lý nước trong nông nghiệp và lưu vực sông rất hay và hữu ích. Đây sẽ là cơ sở để cán bộ Việt Nam chắt lọc những kinh nghiệm hay đưa vào áp dụng tại Việt Nam, trong điều kiện công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở nước ta mới đang trong giai đoạn khởi đầu. Các đại biểu cũng quan tâm đến một số vấn đề như: xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, vấn đề đánh giá chất ô nhiễm theo thời gian, hệ thống máy móc quan trắc xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, vấn đề thể chế trong sản xuất nông nghiệp ở Pháp, kinh nghiệm chia sẻ tài nguyên nước cũng như thông tin, số liệu ở Pháp…
(Theo Minh Trang – Monre)