Những tồn tại, thách thức, khó khăn nào khi thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025?

Trả lời:

          Với đặc điểm tài nguyên nước và hiện trạng điều tra, đánh giá, kiểm kê tài nguyên nước đã nêu ở trên cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tài nguyên nước. Trong khi thông tin, số liệu cụ thể về tài nguyên nước là cần thiết phục vụ công tác quản lý, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, lập điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc kiểm kê tài nguyên nước đến nay còn nhiều tồn tại và hạn chế bởi các nguyên nhân chính như sau:

a) Tài nguyên nước là loại hình tài nguyên đặc biệt, luôn thay đổi và có diễn biến phức tạp, đặc biệt tài nguyên nước ở Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ nước ngoài, chịu tác động điều tiết ở thượng nguồn và chế độ thủy văn diễn biến phức tạp.

b) Không thể xác định được tổng lượng dòng chảy vùng đồng bằng thông qua số liệu quan trắc, đo đạc tại các trạm thủy văn, mà phải dựa vào tính toán, ngoại suy và gần 30 năm chưa được tính toán, cập nhật. Vùng đồng bằng chiếm khoảng 25% diện tích các lưu vực sông, hệ thống sông vùng đồng bằng khá dày đặc, đặc biệt là hệ thống kênh, rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nước thuộc hệ thống sông vùng đồng bằng rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các sông vùng đồng bằng này chịu ảnh hưởng triều, xâm nhập mặn và chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chế độ dòng chảy của các sông vùng đồng bằng này rất phức tạp và số liệu dòng chảy của các vùng đồng bằng này được tính toán từ những năm 1990, đến nay vẫn chưa được tính toán, cập nhật.

c) Công trình quan trắc, đo đạc chưa đáp ứng được yêu cầu thông tin cho công tác kiểm kê. Kiểm kê tài nguyên nước là ghi nhận thông tin đặc trưng của tài nguyên về số lượng, chất lượng thông qua đo đạc, kiểm đếm bằng công trình quan trắc, đo đạc, đánh giá tài nguyên nước. Tuy nhiên, các công trình đo đạc, quan trắc về tài nguyên nước có mật độ còn thưa so với mật độ mạng lưới sông, suối và sự phân bố của các tầng chứa nước. Mạng lưới trạm quan trắc nước dưới đất có 412 điểm với 805 giếng quan trắc nước dưới đất; có khoảng 354 trạm thủy văn và đang đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 23 trạm tài nguyên nước mặt độc lập, 23 trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt ở 11 lưu vực sông liên tỉnh và còn hàng trăm lưu vực sông liên tỉnh khác chưa được đo đạc, quan trắc.

d) Các số liệu điều tra, đánh giá tài nguyên nước chưa đáp ứng được tính toán các chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước. Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Nguồn nước mặt mới thực hiện điều tra, đánh giá ở mức tổng quan. Nguồn nước dưới đất mới điều tra, đánh giá tổng hợp, lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất, bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:200.000 phủ kín toàn quốc. Điều tra, đánh giá chi tiết nước dưới đất, tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 6%, tỷ lệ 1:50.000 thực hiện khoảng 5%; điều tra, đánh giá, tỷ lệ 1:25.000 gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt thực hiện được 5% cho một số vùng đô thị lớn, đảo, vùng núi cao, khan hiếm thiếu nước. Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước thực hiện khoảng 6%; điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 thực hiện khoảng 8%; điều tra, lập danh mục hồ chứa từ năm 2008 đến nay chưa được cập nhật.

đ) Hạn chế về nguồn lực để thực hiện định kỳ kiểm kê theo quy định. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Tuy nhiên, việc phân bổ kinh phí cho các dự án điều tra cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ đề ra, dẫn đến xây dựng các công trình quan trắc tài nguyên nước còn hạn chế, một số dự án điều tra, đánh giá tài nguyên nước không đủ vốn, nên phải kéo dài thời gian thực hiện so với mục tiêu đề ra. Do đó, đến nay công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước đạt khoảng 6-8% diện tích; đầu tư đưa vào vận hành khoảng 50% số lượng trạm tài nguyên nước mặt độc lập, khoảng 25% trạm thủy văn lồng ghép trạm tài nguyên nước mặt và 67% số lượng giếng quan trắc nước dưới đất so với nhu cầu. Trong khi đó, tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý [ ], phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản; được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật [ ] và thực hiện kiểm kê tài nguyên nước, công bố kết quả kiểm kê định kỳ 05 năm một lần [ ]. Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước được ban hành tại Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định việc kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước quốc gia là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2016 đến 2020, tuy nhiên đến nay tài nguyên nước vẫn chưa được kiểm kê trên phạm vi cả nước.