Xung quanh việc rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2 – Phải đặt yêu cầu an toàn công trình lên hàng đầu

Sự cố nước rò rỉ trên mặt hạ lưu đập Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đã gây hoang mang trong người dân địa phương, cũng như cảnh báo về chất lượng xây dựng các công trình thủy điện. Trao đổi với Báo TN&MT, GS. TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhấn mạnh, phải chấp nhận tốn kém để xử lý triệt để những lỗi kỹ thuật này. Ông Giang nói:

– Sự cố này khá nghiêm trọng, bởi để nước tràn ra mái hạ lưu của đập là điều cấm kỵ trong thủy lợi. Mặt đập Thủy điện Sông Tranh 2 được đổ bằng bêtông đầm lăn (loại bêtông ít xi măng, nhanh khô). Thi công công trình bêtông khối lớn thì đương nhiên phải thực hiện theo từng khối đổ. Tuy nhiên các chỗ tiếp giáp (mà phía Nhà máy điện gọi là các “khe”) bao giờ cũng phải được xử lý chống thấm rất cẩn thận chứ không thể để nước từ thượng lưu xuyên qua đập ra mái hạ lưu.

Thêm nữa, hiện tượng rò rỉ nước ở sông Tranh 2 có phần hơi đặc biệt. Bởi lẽ, với một dự án lớn như Thủy điện sông Tranh 2, việc xây dựng thiết kế kỹ thuật dự án, thi công… có sự giám sát rất chặt chẽ của nhiều đơn vị, chuyên gia… Nếu như nói sự cố ở các đập thủy điện nhỏ không kiểm soát được thì có thể chấp nhận. Tuy nhiên, trường hợp sự cố ở dự án lớn cấp quốc gia như vậy là rất hiếm.

 

 vv63

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp khắc phục như khoan, trám vết nứt bằng xi măng, đồng thời thông rửa các ống thu thoát nước, sửa chữa, bổ sung các rãnh thoát nước trong các hành lang để thu hết nước về hố thu theo thiết kế. Ông đánh giá thế nào về các giải pháp này ?

– Theo tôi, việc trám vết nứt bằng ximăng chỉ là giải pháp thô sơ, rất tình thế. Việc làm thông nước xuống hạ lưu là cũng có thể tiến hành song nếu chỉ như vậy thì nước thấm sẽ không giảm. Hơn nữa, nếu chất lượng thân đập không đảm bảo thì sẽ gây hậu quả phức tạp. Cần thận trọng khi khoan đục thân đập khi nước còn cao trong hồ.

Vậy ông có đề xuất giải pháp lâu dài gì ?

– Về lâu dài phải thực hiện chống thấm triệt để cho đập. Có hai giải pháp. Giải pháp làm khô phải hạ mực nước hồ, sau đó dán màng chống thấm, sơn các loại sơn chống thấm đặc biệt hoặc phun lên bề mặt các chất chống thấm để chèn vào các khe nứt. Tuy nhiên, giải pháp này cần có thời gian để hạ mực nước hồ và tổn thất về điện, trong khi mùa mưa đang đến gần.

Giải pháp thứ 2 có thể thực hiện ngay. Đó là dán lớp màng chống thấm (geomembrane) vào mặt thượng lưu và thi công trong nước. Giải pháp này không chờ giảm mức nước hồ, nhà máy thủy điện vẫn hoạt động bình thường và đã được áp dụng thành công cho nhiều trường hợp tương tự trên thế giới, như trường hợp đập bêtông đầm lăn Platanovryssi (Hy Lạp) năm 2002. Đập này cao 95m và có vết nứt nhỏ trên mái thượng lưu và dòng thấm tràn ra mặt hạ lưu với lưu lượng cũng khoảng 30 l/s, tượng tư như lượng thấm ở đập Sông Tranh 2. Chi phí cho giải pháp công nghệ cao này khá tốn kém và phải có chuyên gia giám sát kỹ càng. Tuy nhiên, cân nhắc giữa yêu cầu an toàn đập và các yếu tố khác, chúng ta phải chấp nhận.

n Từ sự cố Thủy điện Sông Tranh 2, trước đó là vỡ đập Hố Hô (Hà Tĩnh) đã cảnh báo về việc quản lý chất lượng các công trình hồ chứa thủy điện. Vậy có cần rà soát toàn bộ hệ thống thủy điện không, thưa ông ?

– Việc này rất cần thiết và đã được kiến nghị từ lâu.

Thưa ông, một vấn đề đang gây tranh cãi là thủy điện có phải “tiếp tay” gây lũ lớn ?

– Chỉ cần so sánh mực nước hồ trước và sau lũ để biết thủy điện có tiếp tay gây lũ lớn. Nếu mực nước hồ sau lũ cao hơn mực nước hồ trước lũ, nghĩa là hồ đã “nhốt” được thêm một ít nước từ thượng nguồn. Còn ngược lại thì nhà máy thủy điện đã lợi dụng lũ để xả thêm một ít nước trong hồ, gây lũ lớn thêm ở hạ du. Như vậy, nếu vận hành tốt thì nhà máy thủy điện còn thực hiện chức năng “cắt lũ”, giảm lũ cho hạ du.

 Xin cám ơn ông.

 

Ngày 26/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí, cho biết việc khắc phục hậu quả ở Thủy điện Sông Tranh 2. Theo đó, từ ngày 21/3 đã cho thông rửa các lỗ khoan bị tắc, đục rãnh thoát nước để thu nước về hố thu trong thân đập đến nay đã có hiệu quả và hiện tượng thấm về hạ lưu đập đã giảm hẳn. – Từ 21h ngày 24/3 đã đưa 02 máy khoan tay (Ø42mm) vào để khoan tại khe nhiệt 18, 21, 24, 28, đã khoan 02 lỗ Ø76mm tại các khe 16 và 24 từ hành lang số 3 xuống hành lang số 2 để thu nước vào hành lang thoát nước và phần lớn lượng nước thấm tại các khe nhiệt này đã chảy vào hành lang

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)