Họp Hội đồng thẩm định Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long

Chiều 13/11, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tham dự cuộc họp Hội đồng thẩm định kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long. Cuộc họp do Cục Quản lý tài nguyên nước tổ chức và ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì.

Tới tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng; cá chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực tài nguyên nước; đại diện các đơn vị khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Cửu Long.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TN&MT tổ chức nhiều cuộc họp để nghiên cứu, thống nhất các phương pháp tiếp cận, xây dựng Kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Cửu Long. Đến nay, dự thảo kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long đã hoàn thiện.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu

Theo ông Châu Trần Vĩnh, kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Cửu Long là cơ sở để các ngành có khai thác, sử dụng nước và các địa phương trong lưu vực sông xây dựng, điều chỉnh kế hoạch khai thác, sử dụng nước, từ đó sẽ chủ động được cơ cấu mùa vụ, cây trồng,… chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước, thừa nước từ sớm, từ xa và hạn chế được các thiệt hại.

Để có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học giúp các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm dự thảo kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long, Bộ TN&MT tổ chức cuộc họp này để lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý, các đơn vị có khai thác sử dụng nước trên lưu vực sông Cửu Long.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước cho lưu vực sông Cửu Long cho biết, kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Cửu Long được xây dựng trên cơ sở quy định tại Điều 35 Luật Tài nguyên nước 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa của khu vực thượng lưu lưu vực, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nhận định xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, mực nước trong các tầng chứa nước và thông tin, số liệu do các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên lưu vực và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước lớn, quan trọng trên lưu vực cung cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, phạm vi tính toán, đánh giá xây dựng kịch bản được phân chia dựa trên cơ sở các vùng quy hoạch trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kỳ công bố Kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn 2024 – 2025 (từ tháng 11/2024 đến tháng 5/2025).

Về nội dung, Kịch bản nguồn nước được công bố theo quy định tại Khoản 4 Điều 41 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, trên cơ sở đặc điểm khí tượng, thủy văn và việc khai thác, sử dụng nước trên lưu vực cũng như hiện trạng thông tin, số liệu hiện có.

Theo tính toán trong dự thảo kịch bản, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trong kỳ công bố kịch bản, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Cửu Long từ tháng 11/2024 đến tháng 5/2025 vào khoảng 24.912 triệu m3, trong đó sinh hoạt và công nghiệp khoảng 1.110 triệu triệu m3, tưới cho cây trồng khoảng 19.084 triệu m3, sử dụng nước cho thuỷ sản 4.701 triệu m3 và chăn nuôi khoảng 17,1 triệu m3.

So với năm 2024 nhu cầu khai thác sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Cửu Long trong năm 2025 cũng như trong kỳ công bố kịch bản có xu thế tăng khoảng 0,83%. Trong các vùng sử dụng nước, vùng Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long có nhu cầu sử dụng nước nhiều nhất tập trung vào các tháng 1 và 2.

Về mặt cơ cấu sử dụng nước, không có sự thay đổi đáng kể nào giữa các ngành dùng nước, nhu cầu cho tưới vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 77% tổng nhu cầu sử dụng nước, tiếp đến là thủy sản với 19% tổng nhu cầu, sinh hoạt và công nghiệp khoảng 4,5% và thấp nhất là chăn nuôi với khoảng dưới 1 % tổng nhu cầu dùng nước.

Trên cơ sở hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông, nhu cầu sử dụng nước, đặc thù khai thác, sử dụng nước của các ngành sử dụng nước lớn trên lưu vực như sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp,….và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực…

Quang cảnh cuộc họp

Về tổng thể nguồn nước đến trên vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước và nguồn nước trong kỳ công bố sẽ ở trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn có thể xảy ra tại một số tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với nguyên nhân chủ yếu do xâm nhập mặn và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ; ngoài ra còn có tình trạng một số khu vực chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng để phục vụ nước cho sản xuất, sinh hoạt do nằm tại vùng sâu, vùng xa, các hộ dân sống phân tán như tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.

Dựa vào kịch bản nguồn nước, Bộ TN&MT cũng đưa ra khuyến nghị để đưa ra cảnh báo, định hướng, xây dựng phương án và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long cho các Bộ, ngành, địa phương.

PGS.TS Nguyễn Đình Vượng, chuyên gia tài nguyên nước, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam góp ý tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao kết quả tính toán xây dựng kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long của đơn vị chủ trì xây dựng. Các thành viên Hội đồng cũng đã phát biểu, góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long.

PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh góp ý tại cuộc họp

Các thành viên Hội đồng đề nghị cơ quan xây dựng dự thảo kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long bổ sung thêm cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học làm cơ sở xây dựng kịch bản nguồn nước; bổ sung thêm số liệu sơ cấp, thứ cấp, thông tin về tình hình nguồn nước, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, khai thác sử dụng nước của các nước ở thượng nguồn các sông xuyên biên giới để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, nguy cơ thiếu nước;….

Hội đồng cũng nhất trí thông qua dự thảo kịch bản sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.