Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất

Để thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1691 về việc phê duyệt Danh mục và Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

78 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất 

Trước khi có Luật Tài nguyên nước năm 2023, việc quản lý nguồn nước dưới đất được điều chỉnh theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn bộc lộ nhiều bất cập. Việc sử dụng quá mức nguồn nước ngầm trong thời gian dài đã để lại những hậu quả không nhỏ về mặt môi trường. Chính vì thế, Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã có những thay đổi quan trọng nhằm bảo vệ tối đa với những quy định về khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý. Để cụ thể Luật Tài nguyên nước năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành danh mục các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đối với các khu vực có nguy cơ xâm nhập mặn là vùng liền kề với khu vực bị nhiễm mặn có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan từ 1.500mg/l trở lên. Khu vực cấm và hạn chế này có tổng diện tích 160,2km2 với 78 vùng hạn chế, phân bố tại 5 huyện, thị xã, thành phố. Các vùng bị hạn chế khoan giếng, khai thác nước ngầm thuộc 78 xã, phường, thị trấn của các địa phương: Nha Trang, Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm, Ninh Hòa. Vùng bị hạn chế khai thác nước ngầm có phạm vi rộng nhất là ở xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm), bao gồm toàn bộ các thôn từ chân đèo Cù Hin đến hết phía nam của xã với tổng diện tích 18,47km2. Còn vùng có phạm vi hạn chế hẹp nhất có diện tích khoảng 27.000m2 ở khu vực phía tây bắc phường Phương Sài (TP. Nha Trang).

Đối với các vùng hạn chế khai thác nước ngầm dưới đất, Nhà nước sẽ không chấp thuận đăng ký, cấp các giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm để xây dựng thêm các công trình khai thác nước dưới đất mới; trừ trường hợp khoan thay thế giếng thuộc công trình đã được cấp giấy phép theo quy định. Những công trình có giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm hoặc giấy phép khai thác nước dưới đất được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép đã được cấp và được xem xét cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nhưng không được vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép trước đó.

Trường hợp công trình đã đăng ký thì tiếp tục khai thác nhưng không được tăng lưu lượng khai thác đã được cấp phép. Công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước cho mục đích sinh hoạt thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc đăng ký nhưng chưa có giấy phép, hoặc chưa đăng ký thì được xem xét cấp giấy phép khai thác hoặc đăng ký nếu đủ điều kiện cấp phép, đăng ký theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Một khu vực ở huyện Cam Lâm thuộc vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Khai thác hợp lý

Cùng với Quyết định số 1691, ngày 19-7, UBND tỉnh có Quyết định số 1901 phê duyệt phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo phương án, sẽ có 3 doanh nghiệp dừng khai thác nước dưới đất, gồm: Công ty Cổ phần Quốc tế Biển Xanh, Công ty Cổ phần Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa, Công ty TNHH Sài Gòn Vàng. Nếu có nhu cầu khai thác, sử dụng thì doanh nghiệp phải lập hồ sơ xin cấp phép khai thác mới, đảm bảo đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Các doanh nghiệp còn lại, gồm: Công ty TNHH Hải Đăng, Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Thuận, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods – Nhà máy Chế biến thủy sản F90, Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Nha Trang, Chi nhánh Công ty TNHH Du lịch TTC – TTC Resort Premium – Dốc Lết, Công ty TNHH Carava Resort được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép; được xem xét cấp gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nhưng không vượt quá lưu lượng cho phép theo quy định của pháp luật.

Theo ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định phương án, lộ trình thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất (nếu có) đối với công trình khai thác nước dưới đất của mình. Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án, lộ trình tổ chức thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất, thông báo tới các tổ chức, cá nhân có công trình khai thác nước dưới đất thuộc các vùng cấm, vùng hạn chế; đồng thời hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất theo phương án đã quy định.

Cùng với đó, UBND tỉnh giao các sở: Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị cấp nước tập trung nghiên cứu giải pháp cung cấp nước cho các tổ chức, cá nhân có công trình đã hết giấy phép trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; vận động các tổ chức, cá nhân trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất sử dụng hệ thống cấp nước tập trung do các đơn vị cấp nước cung cấp. Các đơn vị cấp nước tập trung nghiên cứu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phủ kín mạng lưới cấp nước tập trung tại các vùng cấm, vùng hạn chế nước dưới đất.

Đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước

Theo Quyết định số 1901 của UBND tỉnh, nguyên tắc xây dựng phương án thực hiện việc cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất gồm: Tuân thủ quy định của pháp luật; ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai và phòng cháy, chữa cháy; thực hiện theo kế hoạch, lộ trình phù hợp được phê duyệt, đảm bảo không gây gián đoạn việc cấp nước, trừ trường hợp sự cố gây sụt, lún đất hoặc các tình huống khẩn cấp cần phải xử lý. Việc cấm khai thác nước dưới đất áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất. Việc hạn chế khai thác nước dưới đất chỉ áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác nước dưới đất hoặc thuộc trường hợp phải đăng ký khai thác nước dưới đất theo quy định; không áp dụng đối với trường hợp phải kê khai khai thác, sử dụng nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình và một số hoạt động khác theo quy định. 

Theo: baokhanhhoa.vn