Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là hai trong các nội dung mới được đưa vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nguồn nước của nước ta đang có xu thế ô nhiễm, cạn kiệt như hiện nay.
Muốn gìn giữ nguồn nước phải am hiểu pháp luật
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật về TNN chưa cao nên đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNN còn nghèo nàn, chưa được thực hiện thường xuyên tới người dân và doanh nghiệp dẫn tới nhận thức của không ít địa phương, xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ, gìn giữ các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả còn hạn chế. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã bổ sung thêm quy định về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên nước. Đây là quy định hết sức quan trọng trong bối cảnh tài nguyên nước ngày càng khan hiếm cạn kiệt, mà một phần nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn non kém dẫn đến việc sử dụng nước lãng phí, ở đâu đó còn có tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại tài nguyên nước.
Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) đã đặc biệt nhấn mạnh pháp luật về tài nguyên nước, các sáng kiến, biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, gương người tốt, việc tốt và các điển hình tốt trong hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phải được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thường xuyên và rộng rãi. Bên cạnh đó đã có quy đinh cụ thể về việc phải đưa công tác giáo dục tài nguyên nước vào trong trường học như một quy định bắt buộc để nâng cao nhận thức về tài nguyên nước của mỗi công dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khoản 2, điều 5 Dự thảo Luật TNN đã quy định rõ: Nhà nước có kế hoạch đưa nội dung bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và lồng ghép trong các hoạt động văn hóa cộng đồng. Điều đáng lưu ý là “Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả được khen thưởng theo quy định”.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đề xuất, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tài nguyên nước cần có sự thống nhất với dự thảo luật về phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đó, cần phát huy vai trò của cả xã hội trong việc nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên nước. Có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm nội dung về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước để nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với pháp luật tài nguyên nước.
Tạo động lực kinh tế, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả
Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một điểm mới quan trọng được đưa vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được quy định từ Điều 33 đến Điều 36.
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho biết: Khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên nước là chủ trương lớn được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật. “Tài nguyên nước có thể tái tạo nhưng hữu hạn, nhất thiết phải được khai thác có hiệu quả và sử dụng tiết kiệm, tổng hợp, đa mục tiêu. Đồng thời, phải có các biện pháp chủ động phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước hiệu quả để bảo vệ, gìn giữ tài nguyên nước, bảo đảm khai thác bền vững, lâu dài”, ông Hoàng Văn Bẩy nhấn mạnh. Theo quan điểm ấy, Dự thảo Luật đã có các quy định cụ thể về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế thất thoát nước trong các hệ thống cấp nước; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phát triển khoa học công nghệ sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả nhằm thực hiện chủ trương chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Để tiết kiệm và sử dụng nước có hiệu quả, chỉ bằng biện pháp quản lý Nhà nước là chưa đủ, vì kiểm soát việc thực hiện các quy định về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả ở từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là rất khó khăn. Cần thiết hơn là phải có những chính sách khuyến khích tạo động lực về kinh tế đối với mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tự áp dụng cho mình các biện pháp hữu hiệu cho việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả tại mỗi cơ quan và đơn vị.
Hiện tại, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đang được tiếp tục hoàn thiện theo góp ý của các đại biểu Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, trình Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 3 vào năm 2012.
(Theo Monre.gov.vn)