Xây đập thủy điện trên sông Mê Kông: Hủy hoại một hệ sinh thái

tt929Sông Mê Kông là con sông lớn nhất Đông Nam Á và đứng hàng thứ 12 trên thế giới với chiều dài hơn 4.800km chảy qua 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hàng loạt các dự án thủy điện đã và đang triển khai xây dựng trên dòng chính của sông Mê Kông được cảnh báo sẽ hủy diệt hệ sinh thái Mê Kông vốn cực kỳ trù phú và đa dạng.

hủy điện Mê Kông và những điều được – mất

Dòng chảy chính của sông Mê Kông ở Trung Quốc đã bị chặn bởi 4 dự án thủy điện trong quy hoạch 8 dự án chứa nước thủy điện của Trung Quốc. Hầu hết các nhánh phụ của sông Mê Kông ở các quốc gia trong vùng đều đã xây dựng các tầng đập hoặc đang quy hoạch với khoảng 71 dự án sẽ được vận hành vào năm 2030. Hiện có 12 đề xuất xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào, Thái Lan và Campuchia, trong đó có 8 dự án xây dựng các con đập chắn ngang toàn bộ dòng chảy của sông. Điều đó có đầy đủ lý do để lo ngại về sự chấm hết của hệ sinh thái trù phú lưu vực sông Mê Kông khi chuỗi các dự án thủy điện được xây dựng.

Tại Hội nghị “Đằng sau những con đập thủy điện trên sông Mê Kông” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature tổ chức ngày 2-10-2011 tại TP. Hồ Chí Minh các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế đã phân tích những lợi, hại từ các công trình thủy điện đối với từng quốc gia. Đối với Lào, là nước có lợi ích lớn nhất trực tiếp từ thủy điện dòng chính và có khả năng thu được hơn 70% lợi nhuận và có thể hưởng lợi từ tăng diện tích tưới tiêu, năng suất nông nghiệp. Đối với Campuchia, nếu kế hoạch thủy điện dòng chính được triển khai, Campuchia sẽ có 30% nguồn thu từ xuất khẩu điện với khoảng 1,2 tỷ USD/năm. Quốc gia Thái Lan thu được lợi ích năng lượng rõ rệt khi nhập khẩu với giá rẻ, cải thiện điều kiện lưu thông cho tàu thuyền và các bậc thang thủy điện khiến mực nước dâng cao tạo thuận lợi cho các dự án chuyển nước của Thái Lan từ Mê Kông sang vùng đông bắc Thái. Tại Trung Quốc đã xây dựng 4 đập và đang tiếp tục xây dựng 4 đập trên thượng nguồn Mê Kông, cùng với 4 đập dự kiến đầu tư ở hạ nguồn Mê Kông tại Lào và Campuchia.

Bên cạnh đó, tại các quốc gia xây đập sẽ mất nhiều đất nông nghiệp ven sông, suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế cộng đồng kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác. Về tổng thể việc xây đập sẽ biến dòng chính của sông Mê Kông thành một hệ thống các hồ chứa nước làm tốc độ dòng chảy chậm lại, hầu như không còn phù sa bồi lắng theo dòng chảy Mê Kông, hàng loạt các loài thủy sản đặc trưng của Mê Kông sẽ biến mất…

Đồng bằng sông Cửu Long gánh chịu thiệt hại nặng nhất

Việt Nam là nước duy nhất trong lưu vực không có đập thủy điện trên dòng chính và sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nằm cuối nguồn sông Mê Kông. Từ Phnom Penh chảy qua Việt Nam, sông Mê Kông phân ra hai dòng chính là sông Tiền và sông Hậu với 9 cửa đổ ra biển vì vậy còn được gọi là hệ thống sông Cửu Long, lượng nước ở đây chiếm trên 60,4% lượng nước sông toàn quốc. Nhưng nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông nên 95% lưu lượng nước Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước nằm ngoài biên giới Việt Nam. Các công trình thủy điện quy mô lớn ở Trung Quốc trong những năm qua đã khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Việc giảm dòng chảy trong mùa khô, kết hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm gia tăng sự xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến sản xuất và nuôi trồng thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu các công trình thủy điện dòng chính được xây dựng, lượng phù sa về ĐBSCL từ 26 triệu tấn/năm sẽ giảm còn 7 triệu tấn/năm và gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông, mặt khác lại làm suy giảm khả năng làm sạch của dòng sông. Về thủy sản, chỉ tính riêng tổn thất cá trắng mỗi năm ĐBSCL sẽ thiệt hại từ 500 triệu đến 1 tỷ USD và sẽ có khoảng 14 triệu nông dân bị ảnh hưởng gián tiếp do có thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ- GĐ Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích ứng với biến đổi khí hậu phân tích: Trung Quốc không tham gia vào Ủy hội Mê Kông mà chỉ là bên đối thoại và chỉ hợp tác cấp số liệu mùa lũ, không hợp tác cung cấp số liệu mùa khô. Với lợi thế nước thượng nguồn khống chế chủ động 16% nước Mê Kông, Trung Quốc nhìn nhận Mê Kông như dòng sông riêng của nước này. Trung Quốc phát triển thủy điện độc lập và luôn cho rằng các đập của Trung Quốc chỉ có lợi cho vùng hạ lưu và phủ nhận những tác động xấu đối với các nước ở hạ nguồn như gây lũ nhân tạo mùa khô ở Thái lan, Lào và giữ lại lượng lớn phù sa đến vùng châu thổ.

Chính sách nào cho Việt Nam để giải quyết vấn đề Mê Kông? Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ việc tích cực đấu tranh tăng cường cơ chế hợp tác Mê Kông để thực hiện Hiệp định Mê Kông 1995 là một biện pháp quan trọng để giúp bảo vệ quyền lợi của Việt Nam là quốc gia cuối nguồn. Lồng ghép hợp tác Mê Kông vào các hợp tác khu vực, các diễn đàn, chương trình hợp tác song phương là một biện pháp cần được thực hiện nhất quán và liên tục. Bên cạnh việc tiến hành các nghiên cứu để dự báo trước những tiêu cực đến kinh tế – xã hội do các hoạt động ở thượng nguồn và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cho ĐBSCL với những nghiên cứu đề xuất chuyển đổi cơ cấu kinh tế – xã hội để phù hợp với những thay đổi có thể xảy ra.

Gánh trên mình những con đập thủy điện không chỉ nhằm phục vụ những nhu cầu về kinh tế mà còn thể hiện mục đích khác, sông Mê kông đang dần suy kiệt. Hình ảnh một dòng Mê Kông đầy ấp phù sa, tự do lưu chuyển qua những vùng quê trù phú ven sông liệu sẽ còn tồn tại được bao lâu?


Tác giả: Bảo Hạnh
Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường