Cứu lấy nguồn nước ngầm bị ô nhiễm

 

Trẻ nhỏ bị giun sán đa phần do môi trường sống bị ô nhiễm. Ngày nay, kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh. Nhiều người đã lờ đi các tác động ảnh hưởng đến các nhân tố tự nhiên, môi trường vì mục tiêu lợi nhuận. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang phải đối phó với vấn đề môi trường nước bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Không uống nước chưa đun sôi
Hiện nay tỉ lệ người nhiễm giun sán, giun đũa, giun móc… tại Việt Nam đứng ở mức cao. Những khảo sát cho thấy gần đa phần trẻ em 4-14 tuổi ở nông thôn đều nhiễm giun đũa, 50%-80% nhiễm giun móc. Các bệnh viêm da dị ứng, sán lá gan, lá lợn vẫn đang hoành hành… Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước. Vấn đề này càng trở nên cấp bách hơn khi các loại bệnh như ỉa chảy, lỵ có xu hướng gia tăng.
Đặc biệt, người uống nước nhiễm asen lâu ngày sẽ gặp các triệu chứng như có các đốm sẫm màu trên thân thể, đầu các chi. Đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hóa trên bàn tay, bàn chân. Asen có thể gây ung thư gan, phổi, bàng quang, thận, gây bệnh tim mạch, cao huyết áp… Trầm trọng hơn, những năm gần đây nhiều làng ung thư xuất hiện do chất lượng môi trường kém, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Qua số liệu điều tra các hộ gia đình tại một số quận, huyện ngoại thành ở TP.HCM như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… các gia đình đều sử dụng nước giếng khoan hoặc giếng đào. Phần lớn trong số đó không có hệ thống xử lý nước hoặc uống trực tiếp mà không đun sôi. Đây chính là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh nêu trên.
Khai thác tài nguyên quá mức
Ở đô thị, hệ thống sông, kênh rạch có nơi bị ô nhiễm bởi rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư xả ra mà chưa qua xử lý. Nhiều người lấn chiếm lòng, bờ sông, kênh rạch để sinh sống, buôn bán hàng hóa. Họ thẳng tay thải rác trực tiếp trên bề mặt làm cản trở sự lưu thông dòng chảy, tắc nghẽn cống rãnh tạo nước tù. Không những vậy, rác phân hủy gây ra mùi hôi thối cho toàn khu vực. Mặt khác, nó còn gây khó khăn trong việc lấy nguồn nước mặt để xử lý thành nguồn nước sạch cấp cho nhu cầu xã hội.
Con người sử dụng nước cho ăn uống, tắm gội, giặt giũ… Khi các hoạt động này gia tăng dẫn đến tình trạng khai thác nước dưới đất tràn lan. Thậm chí điều này còn ảnh hưởng đến môi trường như sụp lún, nhiễm mặn… Trong khi đó, nhiều giếng khoan thi công không đúng kỹ thuật như kết cấu giếng không tốt; gần khu vực nhà vệ sinh; hệ thống xử lý nước thải kém; giếng khoan hư không được trám lấp… cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Có nhiều sự cố gây thất thoát nước do đường ống dẫn cũ, gãy, bể lâu ngày, rò rỉ từ van hư cũ. Có người do lười hoặc quên tắt van cũng là nguyên nhân gây lãng phí nước.
Giữa nước mặn và nước nhạt có một ranh giới. Khi hoạt động khai thác nước dưới đất quá mức thì sẽ tiến dần đến công trình khai thác. Lúc đó, mực nước mặn xâm nhập dần, đẩy lùi mực nước ngọt vào sâu, làm nhiễm mặn các công trình khai thác trong khu vực. Mặt khác, nhiều nguyên nhân dẫn đến tầng chứa nước bị nhập mặn là do nước biển tràn vào, con người dẫn nước biển vào sâu trong ruộng để làm muối. Loài người chúng ta đang từng bước làm hại đến môi trường sống như phá rừng lấp đất, san ruộng cất nhà… dẫn đến mất khả năng giữ nước của đất gây ngập lụt, sạt lở.
Không xả nước chưa qua xử lý
Nhiều hộ gia đình chưa có ý thức tiết kiệm nguồn nước trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại. Những nơi này chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Phần lớn chúng được đổ vào ao hồ, bể tự hoại sau đó lại thấm vào đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Mặt khác, việc nuôi tôm cá ở các bè được xây dựng trực tiếp trên các dòng nước mặt, sông rạch cũng ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều giếng khoan ngoài ruộng vườn dùng để tưới tiêu không đảm bảo kỹ thuật gây nhiễm bẩn, hóa chất, thuốc trừ sâu…
Kinh tế phát triển, nhiều nhà máy, xí nghiệp xuất hiện cũng dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tăng. Nhiều khu vực còn chưa có hệ thống cấp nước khiến mật độ khai thác nước dưới lòng đất gia tăng. Điều này làm cho nguồn tài nguyên bị cạn kiệt. Không những thế, con người còn đối diện với các chất thải công nghiệp như khói, bụi… Những vấn đề này không những làm thay đổi chất lượng nước ngọt mà còn ảnh hưởng đến đất và môi trường sinh thái. Ngoài ra, nhiều nơi còn xả thẳng nước thải vào hệ thống sông rạch, ao hồ. Thậm chí có nhà máy sản xuất còn cho nước dơ chảy tràn lan trên mặt đất. Sau đó chúng lại thấm xuống đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tầng nước.
Trong cuộc sống hằng ngày, việc xả rác của chúng ta dù vô tình hay cố ý cũng làm ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, nếu mỗi người ý thức hơn thì không những làm sạch môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Ngọc Châu
(Sở TN&MT TP.HCM)