Theo kết quả điều tra của Trung tâm Điều tra quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, tổng diện tích đất đai đo được ở 30 tỉnh, thành phố trực tiếp giáp biển là 5.869.515ha (diện tích các huyện đảo là 244.835ha), chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của cả nước. Sau khi lấy và phân tích 4000 mẫu đất và mẫu nước trải đều ở 5 vùng ven biển trên toàn lãnh thổ, các cán bộ Dự án đã xây dựng được một bản đồ chất lượng đất với tỉ lệ 1/250.000. Kết quả cho thấy, chất lượng đất tốt toàn vùng chỉ có 788.509ha trong khi đất trung bình và xấu chiếm tới hơn 4 triệu ha.
Ông Ninh Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch đất đai cho rằng, riêng các vùng đất đặc thù ngoài bãi triều và mặt nước ven biển có diện tích 4.158.281ha, (phần diện tích tính từ đường bờ biển ra đến độ sâu 6m khi thủy triều kiệt không nằm trong diện tích tự nhiên-PV). Đến nay, đã có 782.877ha được sử dụng vào các mục đích như nuôi trồng thủy sản 61.254ha, bãi tắm là 10.297ha… còn lại hơn 3 triệu ha là bãi bồi, bãi bùn, cồn cát chưa được khai thác. Mặt khác, đây lại là những khu vực không có tính ổn định, phải chịu tác động mạnh của thủy triều và yếu tố thời tiết. Trong khi đó, các ban, ngành, địa phương thiếu sự phối hợp trong quản lý, thiếu một chiến lược khai thác dài hạn.
Xác định được các tầng chứa nước
Theo ông Đỗ Văn Lanh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin – Kinh tế tài nguyên nước, Cục Quản lý Tài nguyên nước, qua quá trình điều tra, khảo sát tài nguyên nước mặt, trong 5 vùng thì chỉ có nguồn nước mặt ở các thủy vực ven biển duyên hải Nam Trung Bộ là tốt nhất. Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long và các nguồn nước ven biển thuộc tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh đều có chỉ số ô nhiễm cao đến rất cao.
Về tài nguyên nước dưới đất, Dự án đã xác định được các tầng chứa nước và mức độ chứa nước của các tầng trong các vùng ven biển và hải đảo, cụ thể vùng ven biển Đông Bắc Bộ: 1 tầng chứa nước lỗ hổng (NLH), 8 tầng chứa nước khe nứt (NKN). Đồng bằng Bắc Bộ: 3 NLH, 15 NKN. Nam Trung Bộ: 3 NLH, 3 NKN. Nam Bộ: 8 NLH, 1NKN. Các vùng hải đảo: 2 NLH, 5 NKN. Qua đây, dự án đưa ra đánh giá chất lượng nước ngầm, tiềm năng đất dưới nước toàn vùng có thể khai thác được 16.734.219m3/ngày, trong đó Đông Bắc Bộ là 619.027m3/ngày, Đồng bằng Bắc Bộ là 967.610m3/ ngày, Bắc Trung Bộ là 4.180.513m3/ ngày…
“Mặc dù vùng điều tra chi tiết của chúng tôi mới chỉ chiếm khoảng 5% diện tích toàn vùng nhưng trữ lượng khai thác tiềm năng đã xác định được là hơn 1 triệu m3/ngày, điều đó chứng tỏ tiềm năng nước dưới đất của chúng ta vô cùng lớn. Tuy nhiên, hiện nay 250 ngàn dân vùng ven biển và hải đảo, đây là những nơi đang đặc biệt khan hiếm nước” ông Lanh khẳng định.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Dự án cũng đã dự báo nhu cầu sử dụng nước cho các vùng đến năm 2020 như sau: Đồng bằng Bắc Bộ cần đến 12,35 tỷm3/năm, Bắc Trung Bộ cần 12,86 tỷ m3/năm, Nam Trung Bộ là 5,8 tỷ m3/năm, Đông Nam Bộ là 1,76 tỷ m3/ năm và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tới 96,39 tỷm3/ năm. Nhu cầu sử dụng nước cho ăn uống, sinh hoạt…vùng ven biển đến năm 2020 là 7.076.035m3/ ngày.
Dự án có tính ứng dụng cao trong thực tế
Đánh giá cao kết quả của Dự án, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Văn Đức cho rằng, những kết quả thu được sau 4 năm thực hiện Dự án có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều tra cơ bản, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo. Để thực hiện Chiến lược Kinh tế biển đến năm 2020, phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đất, nước ở những vùng trọng điểm ven biển và hải đảo Việt Nam, từ đó tạo tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường quản lý thống nhất Nhà nước về biển đảo.
Tuy nhiên, theo Ban Thực hiện Dự án, bên cạnh kết quả đạt được, Dự án vẫn còn một số điểm cần khắc phục do phạm vi quá rộng nên chưa điều tra, đánh giá được chi tiết từng địa điểm cụ thể. Công tác điều tra mới thực hiện được ở vùng ven biển mà chưa đi sâu vào các hải đảo. Một số kết quả điều tra chưa phản ánh hết hiện trạng, do vậy việc ứng dụng trong thực tiễn còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan chức năng nên đầu tư thêm kinh phí để giải quyết một số khoản phát sinh trong quá trình thực hiện; Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản TN-MT biển, TCB&HĐ Việt Nam cần xem xét tiếp tục đầu tư triển khai ở cấp độ chi tiết hơn đối với những vùng trọng điểm ven biển và hải đảo, tăng giá trị ứng dụng thực tiễn của Dự án.
(Theo Lê Na – Báo Đại Đoàn Kết)