TP.HCM: Cần xem lại quy trình xử lý nước

 

Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa báo cáo với UBND TP.HCM chiều ngày 7/9 về tình trạng nước đục cục bộ trên mạng lưới cấp nước của thành phố. Nguyên nhân là do Sawaco vừa điều tiết nguồn nước Nhà máy Nước Tân Hiệp trở lại cho các khu vực khác sau khi nhà máy nước BOO Thủ Đức bắt đầu cung cấp nước, nhằm điều hòa áp lực trên toàn mạng lưới cấp nước thành phố.

Quá trình này đã làm thay đổi áp lực và xáo trộn thủy lực trong mạng, gây bong tróc các cặn bám, dẫn đến tình trạng nước đục tại các khu vực: phường 16, quận 8, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân (công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn); phường 15, quận 10, phường 3, quận 11, phường Phú Trung, quận Tân Phú (công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân); phường 4, quận Tân Bình (chi nhánh Cấp nước Tân Hòa;) khu vực phường 8, 9, 10, 12, 13, 14, quận Gò Vấp, phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thới An, Trung Mỹ Tây, quận 12 (xí nghiệp Cấp nước Trung An); phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (công ty cổ phần Cấp nước Thủ Đức).

Cũng theo Sawaco, do khả năng tiêu thụ thực tế chưa đạt yêu cầu thiết kế ở một số tuyến ống cấp hai đã được đầu tư trước, khiến tốc độ và thời gian lưu chuyển nước trong ống chậm, tạo phản ứng làm nước có màu (dù vẫn đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế). Đồng thời, việc đầu tư, nghiên cứu xây dựng các điểm xả mới còn chậm, chưa đủ do vướng mặt bằng thi công, không có hệ thống thoát nước…, mà chỉ tận dụng các công trình hiện hữu nên quá trình súc xả định kì chưa cao; nhiều tuyến ống cũ mục còn chưa được cải tạo kịp thời… Để khắc phục, trước mắt Sawaco đã tiến hành súc xả giữa các đơn vị theo tuần tự từ các tuyến ống cấp 1, 2 rồi đến mạng phân phối. Sawaco cũng cho biết sẽ tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống cấp nước để giảm thiểu khả năng xảy ra nước đục; phân chia vùng phục vụ hợp lý hơn từ các nhà máy cấp nước để giảm thời gian lưu nước trên mạng lưới…

Biện pháp chữa cháy

Lý giải nguyên nhân tại sao nước máy thành phố thường bị đục nhiều năm qua, ông Lê Quốc Hùng, kĩ sư cơ khí và chuyên ngành về xử lý nước, Giám đốc Công ty OBM, cho rằng: một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất là hệ thống đường ống nước hiện nay không có van một chiều, khiến nước dơ, thậm chí nước bị đầu độc vô tình hay cố ý, có thể đi ngược vào trong hệ thống mạng. Không khắc phục điều này sẽ rất nguy hiểm, thậm chí đến an ninh nguồn nước.

Theo ông Hùng, nguyên nhân thứ nhất là do công nghệ xử lý nước hiện nay của ta đã quá cũ, từ những thập niên 1930. Ngày đó chưa nảy sinh những chất như bây giờ nên việc sử dụng theo quy trình cũ này là không hợp lý. Quy trình này hoàn toàn đi ngược lại với công nghệ của thế giới. Ông Hùng ví dụ, hiện nay thế giới xử lý theo quy trình oxy hóa bằng ozon, keo tụ rồi mới châm clor, khi đó hàm lượng clor được châm thấp, không cao như của ta hiện nay, nên chất lượng nước tốt hơn; đồng thời những chất độc trong nước như dioxin (ở Việt Nam do hai nguyên nhân: do Mỹ rải và do tự sản sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp)… cũng đã được diệt triệt để.

Nguyên nhân thứ hai là quy trình của một số nhà máy nước hiện nay không được thiết kế để xử lý mangan trong nước. Nhiều tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh vì xử lý không đạt nên nước mới vàng. Quy trình lạc hậu thì không thể xử lý đúng tiêu chuẩn. Thực tế nhiều người dân đang sử dụng nước máy đã phải quay lại sử dụng nước giếng. Mặt khác, tiêu chuẩn mangan của Việt Nam hiện nay quá cao (0,3mg/l – trong khi tiêu chuẩn của châu Âu là 0,05mg/l). Điều này khiến nếu có mangan trong nước thì người dân cũng không có cơ sở để kiện công ty nước.

Và nguyên nhân thứ ba là hệ thống đường ống nước hiện nay còn đơn giản, không có van một chiều. Điều này khiến nước dơ (ví dụ từ nước giếng…), thậm chí nước bị đầu độc dù vô tình hay vô ý, có thể đi ngược vào trong hệ thống mạng, rất nguy hiểm.

Việc Sawaco đang áp dụng một số biện pháp để đảm bảo chất lượng nước như trang bị thêm thiết bị châm hóa chất để xử lý các chất ô nhiễm (hệ thống châm clor), hay nghiên cứu một số hóa chất, công nghệ mới áp dụng cho quá trình xử lý như sử dụng PAC than cho phèn truyền thống, nghiên cứu sử dụng các vật liệu mới để khử mangan thay cho clor…, ông Hùng cho rằng chỉ là biện pháp “chữa cháy”. Nó không phải là chuẩn mà các nước trên thế giới đang hướng đến. Quy trình xử lý mangan hiện nay của ta rất cũ, cần tiếp cận với quy trình của thế giới, chứ cũng không thể sáng tạo được. Trong thời gian ngắn nhất, ngành cấp nước phải thay đổi đường ống không có van nước một chiều. Đây là cái rẻ nhất và dễ làm nhất.

(Theo Lê Quỳnh – Monre)