Trả lời:
Để đáp ứng những yêu cầu quan trọng trong giai đoạn thời kỳ 2021-2030 và nhìn xa hơn đến năm 2050, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long cần tập trung vào các giải pháp quan trọng nhằm giải quyết các thách thức hiện đại mà khu vực này đang đối mặt. Các giải pháp này bao gồm:
Hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước theo quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chính sách đặc thù (nếu có) đối với lưu vực sông Cửu Long, nhất là pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành nước, tăng cường phân cấp, giảm thủ tục hành chính, minh bạch tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, quản lý, vận hành kết cấu hạ tầng ngành nước, sản xuất và kinh doanh nước sạch; quản lý, bảo vệ nguồn sinh thủy, bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; cơ chế tài chính, thu hút, huy động các nguồn lực tài chính trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; cơ chế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới; sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng nước, tái sử dụng nước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình xây dựng, hạ tầng xây dựng bảo đảm việc tích trữ nước mưa, nâng cao năng lực tiêu thoát nước, đặc biệt là các đô thị; rà soát các quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch; cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương khắc phục các chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm thống nhất trong điều phối, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực sông Cửu Long. Thực hiện lộ trình giá, dịch vụ thủy lợi, chi trả dịch vụ rừng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất bền vững tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước ngọt.
- Điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước
a) Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, mô hình số, bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định để đánh giá nguồn nước trên lưu vực trong điều kiện bình thường, thiếu nước nhằm hỗ trợ điều hòa, phân bổ nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long.
b) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành hệ thống.
c) Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long thông qua việc kết nối, truyền thông tin, dữ liệu về hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước, xả nước thải theo quy định.
d) Bổ sung, xây dựng mới công trình tích, trữ nước, công trình bổ cập nhân tạo nước dưới đất, điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước bảo đảm đa mục tiêu, phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan, ưu tiên thực hiện tại 28 tiểu vùng bị thiếu nước ngọt thuộc 120 tiểu vùng quản lý tổng hợp tài nguyên nước quy định tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.
đ) Nâng cao khả năng tích trữ nước của các ao, hồ, khu trũng sẵn có, kênh nội đồng, kênh cấp II, III trên nguyên tắc bảo đảm an toàn; bổ sung, xây dựng mới công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước đa mục tiêu, bảo đảm cấp nước cho mùa cạn theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiếu nước, phù hợp với Quy hoạch này và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.
e) Rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi bảo đảm lưu thông dòng chảy, cải tạo môi trường nước phù hợp tình hình thực tế.
g) Xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng công trình cấp nước dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
h) Rà soát, bổ sung quy định về quản lý hồ, ao không được san lấp, lấn chiếm.
i) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ chất lượng môi trường nước mặt, cải tạo phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
k) Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, ưu tiên các sông chảy qua khu đô thị, khu dân cư tập trung trên lưu vực sông Cửu Long.
l) Lập hành lang bảo vệ nguồn nước và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước liên tỉnh trên lưu vực sông Cửu Long theo quy định, nhất là đối với các tỉnh có nhiều điểm sạt lở như: An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang. Ban hành danh mục các hồ, ao, đầm không được san lấp theo quy định.
m) Tổ chức điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông trên các sông liên tỉnh. Đo đạc, cập nhật các mặt cắt ngang, dọc sông, nghiên cứu sự biến đổi lòng dẫn, quy luật tự nhiên tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông.
n) Khoanh định và quản lý vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và trám lấp các lỗ khoan thăm dò, khai thác không còn sử dụng theo quy định.
o) Chuyển đổi sản xuất, áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Phát triển sản xuất theo hướng sinh thái thông qua các biện pháp canh tác lúa, cây ăn trái và nuôi thủy sản ở các tỉnh đầu nguồn gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long nhằm bảo vệ chất lượng nước ở vùng hạ du phục vụ sinh hoạt, nông nghiệp và thủy sản. Cân đối, điều chỉnh lưu lượng khai thác hợp lý phù hợp với điều kiện thực tế ở các khu vực khan hiếm nước ngọt, khu vực hạ thấp mực nước trên sông và các tầng chứa nước.
p) Điều hòa, tích trữ nước trên các ao, hồ, khu trũng sẵn có, kênh nội đồng, kênh cấp II, III ở vùng thượng nguồn gồm các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An và một phần Kiên Giang. Trữ nước trên kênh, rạch, xây dựng các hồ chứa quy mô nhỏ phục vụ cấp nước tại chỗ hoặc xây dựng các hồ chứa lớn cấp nước cho quy mô cấp huyện, tỉnh và cho các địa phương vùng ven biển gồm: Cần Thơ, Vĩnh Long, một phần Tiền Giang, một phần Kiên Giang. Sử dụng các biện pháp trữ nước mưa tại chỗ như trữ nước ở các bồn, bể, hầm chứa nước phục vụ sinh hoạt ở những nơi mà hệ thống cấp nước sinh hoạt chưa cấp tới. Xây mới hoặc nạo vét các ao, hồ chứa nước quy mô vừa và nhỏ trữ nước mưa phục vụ cấp nước quy mô cấp ấp, xã, huyện hoặc tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên ở vùng ven biển: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và một phần Tiền Giang.
q) Vận hành điều tiết hệ thống công trình nhằm chủ động nguồn nước ngọt vào hệ thống sông, kênh trước mùa khô và điều tiết, phân bổ hài hòa nguồn nước, tránh tranh chấp giữa các địa phương trong mùa khô, đặc biệt là các công trình Tha La-Trà Sư, hệ thống Cái Lớn-Cái Bé, âu thuyền Ninh Quới. Khơi thông dòng chảy các khu vực đang bị nước tù đọng, vận hành các hệ thống điều tiết nước ở các dự án ngăn mặn theo hướng mở tối đa các cửa cống trong phần lớn thời gian trong năm, chỉ đóng trong các thời điểm cần thiết. Phát triển các biện pháp canh tác phù hợp trên đất mặn và đất phèn để không gây lan truyền nước mặn, nước phèn ra sông, kênh rạch. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấy nước mặn, lợ vào các khu vực nước ngọt quanh năm hoặc bơm nước phèn ra sông, rạch vùng nuôi thủy sản hoặc lấy nước cấp sinh hoạt.
r) Tăng cường thu gom, xử lý nước thải đô thị. Lập các dự án khôi phục chất lượng nước các dòng sông và vùng nước bị ô nhiễm nặng trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An; sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua thành phố Tân An, tỉnh Long An; sông Bảo Định đoạn qua thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; kênh Cái Khế đoạn qua trung tâm thành phố Cần Thơ;rạch Long Xuyên đoạn qua trung tâm thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang;các kênh nội đô ở các thành phố Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau.
s) Tăng cường bảo vệ các vùng đất ngập nước quan trọng ở các tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang để duy trì nguồn nước bổ cập và đa dạng sinh học.
2. Phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra
a) Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp xử lý sạt lở tại các khu vực tập trung dân cư thuộc các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Nghiên cứu chỉnh trị dòng chảy trên toàn tuyến trên cơ sở đánh giá tổng thể tác động của dòng chảy thượng lưu, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trên đồng bằng và xâm nhập mặn ở hạ lưu.
b) Lập bản đồ phân vùng lún mặt đất, ngập lụt cho toàn vùng trên cơ sở ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến lún tại một số khu vực có mức độ lún cao làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp.
c) Khắc phục, hạn chế xâm nhập mặn nước dưới đất trên cơ sở hạn chế, tiến tới dừng sử dụng giếng khoan đường kính nhỏ, chuyển đổi hình thức khai thác, sử dụng nước dưới đất phân tán nhỏ lẻ sang quy mô cấp nước tập trung công nghiệp, tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật khoan thi công, xây dựng các công trình ngầm và trám lấp lỗ khoan theo quy định.
d) Xác lập cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên quốc gia trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên cơ sở xây dựng các bản đồ về nguy cơ sạt lở bờ sông, sụt lún đất, xâm nhập mặn các tầng chứa nước do khai thác nước dưới đất quá mức.
3. Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế
a) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thông minh để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước, phát triển nguồn nước, liên kết nguồn nước.
b) Tăng cường hợp tác với các quốc gia thượng lưu trong quan trắc, giám sát và chia sẻ thông tin về số lượng, chất lượng nước, các tác hại do nguồn nước xuyên biên giới gây ra trên cơ sở các thỏa thuận, cơ chế hợp tác trong hiệp định Mê Công 1995 và các thỏa thuận song phương, đa phương khác. Tăng cường vai trò tổ chức lưu vực sông của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
c) Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về nguồn nước xuyên biên giới, nghiên cứu chuyển giao khoa học, công nghệ sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, tái sử dụng nước.