Quảng Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên nước dưới đất dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này trong những năm qua còn hạn chế khiến nguồn nước có nguy cơ bị cạn kiệt, nhiễm bẩn, xâm nhập mặn, gây sụt lún mặt đất… Trong bối cảnh đó, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng đến sử dụng bền vững tài nguyên quan trọng này.
Nguy cơ cạn kiệt
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày đêm, trong đó, nước mặt chiếm 87%, nước ngầm chiếm 13%. Điều đáng nói là hiện nay, việc khai thác nước ngầm đang diễn ra quá mức, đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt, cần được bảo vệ.
Báo cáo Quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cho thấy, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của tỉnh đạt khoảng 516.000m3/ngày đêm. Đây được xem là nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú nhưng không phải là vô tận bởi nguồn nước ngầm ở tỉnh phân bố không đều, mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc vào địa hình và lượng mưa trong năm.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến năm 2021, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã cấp 197 giấy phép tài nguyên nước, trong đó có 28 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 72 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 96 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Trong phạm vi tỉnh, hiện nay có 28 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quản lý và vận hành. Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tài nguyên dưới đất đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho dân.
Nước dưới đất là tài nguyên vô cùng quan trọng nhưng đang có nguy cơ cạn kiệt do hoạt động khai thác quá mức. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cũng đánh giá, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: tình trạng khai thác nước ngầm và hành nghề khoan nước dưới đất diễn ra tràn lan không theo quy hoạch, không xin phép và không có giấy phép hành nghề đã làm cho nguồn nước có nguy cơ bị cạn kiệt, nhiễm bẩn, xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước.
Kiểm soát chặt chẽ
Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên này.
Điển hình như, ngày 19/8/2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 1502/UBND-KT về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác nước ngầm và hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát tổ chức, cá nhân hành nghề khoan, khai thác nước dưới đất chưa có giấy phép, giấy phép đã hết hạn sử dụng, yêu cầu tiến hành làm thủ tục đăng ký cấp, gia hạn giấy phép theo đúng quy định; thanh, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm và hành nghề khoan nước dưới đất; đồng thời, ngăn chặn, đình chỉ việc khai thác nước không đăng ký, không được cấp phép theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở Danh mục vùng hạn chế và vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5242/QĐ-UBND ngày 31/12/2021, ngày 6/1/2023 UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND phê duyệt Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Theo ông Cao Phúc Đồng – Trưởng phòng Biển, Đảo và Tài nguyên nước (Sở TN&MT), sự ra đời của Quyết định 20 nhằm tăng cường bảo vệ và dự trữ tài nguyên nước dưới đất; khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và có các biện pháp bảo đảm đời sống dân cư.
Xác định rõ các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: vùng hạn chế 1 có 381 khu vực, với tổng diện tích là 109,945km2. Trong đó, vùng hạn chế 1A (là khu vực có biên mặn, có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan từ 1.500mg/1 trở lên) có 27 khu vực với tổng diện tích 72,411km2, bao gồm: huyện Tuyên Hóa 1 vùng, Quảng Trạch 4 vùng, Bố Trạch 2 vùng, Quảng Ninh 6 vùng, Lệ Thủy 3 vùng, thị xã Ba Đồn 11 vùng.
Vùng hạn chế 3 có 68 khu vực với tổng diện tích là 429,018km2, bao gồm: huyện Tuyên Hóa 6 vùng, Quảng Trạch 7 vùng, Minh Hóa 4 vùng, Bố Trạch 4 vùng, Quảng Ninh 9 vùng, Lệ Thủy 10 vùng, thị xã Ba Đồn 15 vùng và thành phố Đồng Hới 13 vùng. Vùng hạn chế hỗn hợp có 52 khu vực với tổng diện tích là 46,143km2, bao gồm: Huyện Tuyên Hóa 5 vùng, Quảng Trạch 5 vùng, Minh Hóa 4 vùng, Bố Trạch 4 vùng, Quảng Ninh 8 vùng, Lệ Thủy 4 vùng, thị xã Ba Đồn 14 vùng và thành phố Đồng Hới 8 vùng.
Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình ban hành công văn số 232/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 1/2/2023 của Chính phủ; tăng cường công tác QLNN, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định 36/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoán sản, Nghị định 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.
“Để bảo vệ nguồn nước dưới đất có hiệu quả, thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước; đặc biệt, nghiêm túc triển khai phương án tổ chức thực hiện việc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 20/QĐ-UBND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp tỉnh thực thi nhiệm vụ, nâng cao công tác QLNN về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn một cách khoa học, hiệu quả” – Ông Cao Phúc Đồng nhấn mạnh.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn