Từ ngày 10-12/2, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia vừa kiểm tra tình hình công tác thực nghiệm của đề tài:”Nghiên cứu đề xuất công nghệ khai thác và quản lý vận hành thông minh các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt bền vững cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” tại Trị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Đoàn khảo sát do ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia làm Trưởng đoàn.
Đề tài:”Nghiên cứu đề xuất công nghệ khai thác và quản lý vận hành thông minh các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt bền vững cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Thử nghiệm tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang” được thực hiện từ năm 2021 với mục tiêu Đề xuất được giải pháp công nghệ khai thác và quản lý, vận hành thông minh các nguồn nước phù hợp với vùng núi cao, vùng khan hiếm nước khu vực Bắc Bộ và Xây dựng được 01 mô hình khai thác, quản lý, vận hành thông minh các nguồn nước tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tới nay đạt được một số kết quả như:
Các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã tổng hợp được các giải pháp công nghệ khai thác các nguồn nước ở một số nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đồng thời tổng hợp và phân loại được từng nhóm giải pháp khai thác theo từng nguồn nước khác nhau.
Ngoài ra, đề tài đã đánh giá ưu, nhược điểm của từng giải pháp công nghệ khai thác của từng nguồn nước khác nhau. Đề tài đã xác định được các điều kiện để có thể áp dụng từng giải pháp công nghệ khai thác của từng nguồn nước mưa, nước mặt và nước dưới đất.
Cùng với đó các kết nghiên cứu về các mô hình quản lý vận hành thông minh các nguồn nước cho thấy các mô hình này cơ bản đều ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin và các thiết bị tiên tiến, hiện đại để quản lý, giám sát hệ thống cung cấp nước. Các công nghệ kỹ thuật cao như IoT (Internet of Things), công nghệ GIS (Geographic Information Systems), công nghệ tự động điều khiển như Remote Telemetry hay SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition) đều đã được các nước trên thế giới ứng dụng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Australia, Pháp.
Kết quả điều tra khảo sát và nghiên cứu của đề tài đã xác định được hiện trạng công nghệ khai thác nước ở các vùng nghiên cứu cũng như hiện trạng công tác quản lý, vận hành.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng giải pháp công nghệ khai thác của từng nguồn nước khác nhau. Đề tài đã đánh giá các điều kiện có thể áp dụng và xác lập được 19 tiêu chí thuộc 4 nhóm tiêu chí gồm: Tiêu chí về nguồn nước, Tiêu chí về kinh tế kỹ thuật, Tiêu chí về xã hội, Tiêu chí về môi trường để nghiên cứu xác định các giải pháp công nghệ khai thác các nguồn nước.
Trên cơ sở các dữ liệu ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước khu vực Bắc bộ, sau khi thiết lập, tính toán và chuẩn hóa xác định được giá trị và trọng số của từng tiêu chí đánh giá xác định các khu vực áp dụng giải pháp công nghệ khai thác bền vững các nguồn nước.
Hiện nay đề tài đang xử lý số liệu kết quả tính toán và biên tập sơ đồ phân vùng áp dụng giải pháp công nghệ khai thác và quản lý vận hành thông minh các nguồn nước phù hợp với vùng núi cao, vùng khan hiếm nước khu vực Bắc bộ.
Sơ đồ kết nối các nguồn nước khu vực Mèo Vạc
Trong thời gian tới đơn vị sẽ xây dựng mô hình thí điểm, cải tạo phục hồi 3 mô hình cấp nước hiện có áp dụng công nghệ khai thác hợp lý và quản lý vận hành thông minh hệ thống cấp nước phục vụ cấp nước ổn định cho thị trấn Mèo Vạc, đặc biệt vào mùa khô, công suất 500 m3/ngày đêm, gồm: Cải tạo phục hồi 2 giếng khoan CT2 và CT7 của Trạm cấp nước Pả Vi Thượng và Trạm cấp nước Pả Vi Hạ; Xây dựng mô hình thí điểm giải pháp công nghệ khai thác và quản lý vận hành thông minh các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt ổn định cho thị trấn Mèo Vạc.
Đoàn kiểm tra chụp ảnh lưu niệm
Tác giả:Nawapi