Lưu vực sông Srê Pốk là một trong những lưu vực sông lớn ở Việt Nam, bao gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích lưu vực là 18.230 km2. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
– Đối với tài nguyên nước mặt, lưu vực sông Srê Pốk được chia thành 10 vùng bao gồm: Ia Drang, Ia Lop, Thượng Ea H’leo, Hạ Ea H’leo, Thượng Krông Ana, Hạ Krông Ana, Thượng Ea Krông Nô, Hạ Ea Krông Nô, Thượng Srê Pốk và Hạ Srê Pốk. Lượng mưa trung bình nhiều năm mùa mưa lưu vực sông Srêpok là 1.519 mm, trong đó lượng mưa trung bình nhiều năm lớn nhất là 2.158 mm (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Dòng chảy trung bình nhiều năm trạm Bản Đôn là 273 m3/s, Cầu 14 là 242 m3/s, Đức Xuyên là 100 m3/s, Giang Sơn là 74 m3/s.
– Đối với tài nguyên nước dưới đất, hiện nay lưu vực sông Srê Pốk có 48 công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xây dựng và đưa vào vận hành. Lưu vực sông bao gồm 4 tầng chứa nước chính: lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q), khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa – β(qp), khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp), khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n). Theo báo cáo thuộc dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”, tổng tài nguyên nước dự báo cho các tầng chứa nước: tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q) là 812.985 m3/ngày, tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa β(qp) là 539.318 m3/ngày, khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp) là 5.405.711 m3/ngày, khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n) là 8.746 m3/ngày.
1.Tài nguyên nước mặt
Tại trạm Đức Xuyên, Mực nước trung bình tháng 12 năm 2022 trên sông Ea Krông Nô tại trạm Đức Xuyên là 48696cm, tăng 4cm so với tháng trước, giảm 233cm so với tháng cùng kỳ năm trước và giảm 77cm so với tháng 12 trung bình nhiều năm. Giá trị mực nước lớn nhất là 48724cm (ngày 8/12/2022), giá trị mực nước nhỏ nhất là 48666cm (ngày 20/12/2022).
Trong tháng 12 năm 2022, tại trạm Đức Xuyên có lưu lượng nước trung bình tháng khoảng 25,2m3/s, tăng 0,81m3/s so với tháng trước, giảm 76,7m3/s so với tháng cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 12 năm 2022, tổng lượng nước trên sông Ea Krông Nô chảy qua mặt cắt ngang tại trạm Đức Xuyên khoảng 68 triệu m3, tăng khoảng triệu 4,3 triệu m3 so với tháng trước.
Kết quả phân tích chất lượng nước sông và kết quả tính toán chất lượng nước sông theo chỉ số WQI cho thấy chất lượng nước sông Ea Krông Nô có thể sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác. Dự báo tài nguyên nước mặt
Theo số liệu dự báo mưa từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho thấy trong tháng 1/2023, khu vực Tây Nguyên có tổng lượng mưa phổ biến cao hơn với TBNN cùng thời kỳ từ 10-30mm.
Dự báo tổng lượng nước nội sinh tại các vùng dự báo
Cảnh báo tài nguyên nước mặt trong tháng 01 năm 2023, trên lưu vực sông Srê Pốk có 16 tiểu vùng có nguy cơ thiếu nước, với tổng lượng nước thiếu khoảng 6,89 triệu m3
2. Tài nguyên nước dưới đất
Tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q)
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 12 so với tháng 11 có xu thế hạ, có 1/2 công trình mực nước hạ, 1/2 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị mực nước hạ là 1,03m tại xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (LK79T).
Trong tháng 12: Mực nước trung bình tháng nông nhất là -0,11m tại xã Ea Kly, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk (LK51T) và sâu nhất là -7,37m tại xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông (LK79T).
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 12 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là: 1,03m; 1,38m; 3,05m; 3,88m tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Chi tiết được thể hiện trong các bảng và hình sau.
Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa β(qp)
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 12 so với tháng 11 có xu thế hạ, có 11/11 công trình mực nước hạ. Giá trị hạ thấp nhất là 2,31m tại TT.Ea Drăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk (LK70T).
Trong tháng 12: Mực nước trung bình tháng nông nhất là -0,51m tại xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk (LK76T) và sâu nhất là -21,56m tại xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk (LK71T).
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 12 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là: 3,57m; 1,57m; 0,78m; 0,82m tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai; huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk; huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông và huyện Krông Buk , tỉnh Đắk Lắk. Chi tiết được thể hiện trong các bảng và hình sau.
Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp)
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 12 so với tháng 11 có xu thế hạ, có 22/23 công trình mực nước hạ, 1/23 công trình mực nước dâng hạ không đáng kể. Giá trị hạ thấp nhất là 2,20m tại TT.Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (LK165T).
Trong tháng 12: Mực nước trung bình tháng nông nhất là -1,20m tại Ea Kuang, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk (LK50T) và sâu nhất là -26,01m tại TT.Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai (LK165T).
Diễn biến mực nước dưới đất trung bình tháng 12 so với cùng thời điểm 1 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm trước cho thấy mực nước suy giảm lớn nhất lần lượt là: 6,36m; 2,19m; 1,04m; 2,36m tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk; huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n): Theo kết quả quan trắc tại 1 công trình LK52T thuộc xã Ea Kmut, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk mực nước trung bình tháng 12 hạ 0,78m so với tháng 11.
3. Dự báo tài nguyên nước dưới đất
Tầng chứa nước lỗ hổng bồi tích hiện đại (Q):Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 13 so với mực nước thực đo tháng 12 có xu thế hạ, có 2/2 công trình mực nước hạ.
Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pleistocen giữa β(qp): Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 13 so với mực nước thực đo tháng 12 có xu thế hạ, có 11/11 công trình mực nước hạ. Mực nước hạ từ 2,0m đến 4,0m phân bố ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai và huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng phun trào Bazan Pliocen-Pleistocen dưới β(n2-qp):Diễn biến mực nước dưới đất dự báo tháng 13 so với mực nước thực đo tháng 12 có xu thế hạ, có 21/22 công trình mực nước hạ, 1/22 công trình mực nước dâng. Mực nước hạ từ 2,0m đến 4,0 phân bố ở huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ của tỉnh Gia Lai. Một công trình có mực nước dâng 1,02m tại huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.
Tầng chứa nước khe nứt lỗ hổng vỉa các thành tạo đầm hồ trầm tích Neogen (n):Dự báo diễn biến mực nước dưới đất tháng 13 tại công trình LK52T có xu thế hạ so với mực nước thực đo tháng 12.
4. Cảnh báo tài nguyên nước dưới đất: Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trong lưu vực sông Srê Pốk thời điểm hiện tại có công trình LK165T (TCN β(n2-qp) – TT.Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) độ sâu mực nước trung bình tháng 12 là -26,01m đạt 52,02% so với mực nước hạ thấp cho phép (-50m).
5. Đề Xuất, Kiến Nghị
Đối với tài nguyên nước mặt
Tổng lượng nước tại trạm Đức Xuyên trong tháng 12 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước, đề nghị các cơ quan, ngành sử dụng nguồn nước mặt có kế hoạch, phương án tích trữ nguồn nước để phục vụ việc khai thác, sử dụng trong tháng tới. Chất lượng nguồn nước mặt tại trạm Đức Xuyên tiếp tục giảm so với tháng trước, sử dụng cho mục đích giao thông thủy, đề nghị tiếp tục theo dõi và có phương án xử lý nguồn nước phù hợp để cải thiện chất lượng nguồn nước tốt hơn cho mục đích sử dụng cấp nước sinh hoạt.
Trên lưu vực sông Srê Pốk, dự báo trong tháng 1/2023 thiếu nước ở 16 tiểu vùng với tổng lượng nước thiếu khoảng 6,89 triệu m3. Đề nghị có phương án khai thác phù hợp để phục vụ cho các ngành sử dụng nước.
Đối với tài nguyên nước dưới đất
Theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP về Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất, trên lưu vực sông Srê Pốk thời điểm hiện tại có công trình LK165T có độ sâu mực nước cần phải cảnh báo. Vì vậy, để đảm bảo khai thác ổn định, cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến mực nước dưới đất các tầng chứa nước tại địa phương và trong các bản tin dự báo tiếp theo để phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất.
Xem chi tiết tại đây.