Bên cạnh đó, Thủy điện Sông Pha, công trình tận dụng nguồn nước sau khi chạy máy của Thủy điện Đa Nhim cũng cho sản lượng bình quân ngày ổn định ở mức 175.000 kWh. Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả hai nhà máy này đã đóng góp nguồn điện năng quan trọng vào hệ thống điện quốc gia gần nửa tỷ kWh.
Do phải huy động hết công suất cho hệ thống điện trong 6 tháng mùa khô này nên công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ các tổ máy thủy điện trên phải lùi lại vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa (cuối tháng 6, đầu tháng 7). Trái ngược với hai nhà máy thuỷ điện Đa Nhim và Sông Pha, do đang vào cao điểm của mùa khô, nắng nóng diễn ra trên diện rộng, nên nhiều nhà máy thuỷ điện phải chạy cầm chừng tuỳ theo mực nước về.
Từ cuối năm ngoái đến nay, tại hai nhà máy thủy điện là Hàm Thuận (công suất 300MW) và Đa Mi (công suất 174MW), mỗi ngày Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chỉ huy động 8-10 tiếng mỗi ngày, với sản lượng bình quân 2,5-3,5 triệu kWh/ngày, chủ yếu chạy phủ đỉnh do nước ít. Do vậy, từ đầu năm đến nay, hai nhà máy chỉ đóng góp cho hệ thống điện quốc gia gần 300 triệu kWh.
Nước về hồ Hàm Thuận hiện ở mức 579,94m, cao hơn mực nước chết gần 5m với lưu lượng bình quân 20-25m3/s, bằng cùng kỳ năm ngoái. Theo tính toán, nếu nhà máy Hàm Thuận chạy hết công suất thì chỉ 5 ngày là đến mực nước chết.
Với mực nước kiệt như hiện nay, theo đánh giá của Công ty Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (đơn vị quản lý 4 nhà máy trên), thấp hơn công suất đảm bảo, mỗi nhà máy chỉ chạy được 50% công suất. Thông thường phải từ tháng 8 đến tháng 10, vào thời điểm lũ chính vụ, khi đó hai nhà máy Hàm Thuận và Đa Mi mới có thể chạy hết công suất.